"Nói không" với thuốc trừ sâu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 01/10/2017

(HNM) -Trong khi việc sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật đang gây nhiều hệ lụy thì gần 10 năm nay, người dân xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) đã “nói không” với thuốc trừ sâu khi chăm sóc cây trồng. Việc làm này không chỉ tạo nguồn nông sản sạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Thu hoạch lúa mùa tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai).Ảnh: Thái Hiền



Ông Nguyễn Viết Đoạt ở thôn Động Giã (xã Đỗ Động) chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, tuy năng suất lúa không cao như vụ xuân nhưng sản phẩm của chúng tôi luôn có giá trị cao, bởi đã tạo được chữ “tín”. Lâu nay, những người đã dùng lúa, gạo của xã Đỗ Động đều yên tâm về độ sạch vì không dùng thuốc trừ sâu”. Theo ông Đoạt, trong 10 năm qua, gia đình ông không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng.

Chị Nguyễn Thị Chiều ở thôn Văn Quán (xã Đỗ Động) cho biết: “Gia đình có hơn 1 mẫu trồng lúa, nhưng 10 năm nay, không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Ban đầu, năng suất lúa có giảm do dịch bệnh, nhưng vì mục đích sản xuất lúa gạo an toàn cho bữa ăn gia đình và cộng đồng, chúng tôi quyết tâm làm”.

Đúng như lời ông Đoạt và chị Chiều chia sẻ, ở Đỗ Động, hầu hết các hộ dân đều không phun thuốc trừ sâu cho lúa từ 10 năm nay. Ban đầu, vì sợ chất độc hại từ thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người, dần dần, việc làm này trở thành thói quen trong ý thức sản xuất của toàn dân. Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đỗ Động Lê Khắc Long cho biết: Hợp tác xã và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Oai thường xuyên tuyên truyền để nông dân hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nếu buộc phải sử dụng thì tuân thủ đúng quy trình, thời gian phun và thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Từ năm 2007 đến nay, chỉ Hợp tác xã tiến hành phun thuốc vào 2 thời điểm là phun cho mạ trước khi cấy và sau cấy một thời gian ngắn nếu có dịch bệnh.

Cùng với đó, từ năm 2009, Trạm Bảo vệ thực vật huyện phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Đỗ Động tổ chức các lớp về chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) và một số thí nghiệm đồng ruộng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) Nguyễn Duy Hồng, nguyên tắc của phương pháp thâm canh này là: Cấy thưa, mạ non, bón phân cân đối, rắc vôi khử chua, điều tiết nước phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Với phương pháp thâm canh cải tiến SRI, cây lúa phát huy tối đa khả năng về sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt và bảo đảm năng suất, chất lượng. Đây là phương pháp sản xuất lúa được các nước tiên tiến áp dụng nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch và bảo vệ, giữ gìn môi trường đất, nước, không khí. Đánh giá về phương pháp này, chị Dương Thị Oanh ở thôn Văn Quán, chia sẻ: Gia đình có 4 sào trồng lúa Bắc thơm số 7 theo phương pháp SRI, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu, công lao động và chi phí giảm khoảng 30% nhưng năng suất vẫn bảo đảm, đạt từ 50 đến 55 tạ/ha.

Thực tế, việc áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI được ngành Nông nghiệp thành phố triển khai rộng rãi ở hầu hết các huyện trồng lúa của Hà Nội, nhưng chưa nhiều địa phương thực hiện triệt để, hiệu quả. Trong bối cảnh đó, nông dân xã Đỗ Động “nói không” với thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật là việc làm đạt đa lợi ích như tạo ra nông sản sạch, giảm chi phí, giảm công lao động, đồng thời bảo vệ sức khỏe người thân, cộng đồng và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đỗ Minh