“Mầm” ly khai đáng lo ngại với Châu Âu

Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 03/10/2017

(HNM) - Bất chấp nỗ lực ngăn cản từ Chính phủ Tây Ban Nha, ngày 1-10, chính quyền xứ Catalonia vẫn quyết tâm thực hiện bằng được cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch thành lập quốc gia độc lập. Căng thẳng có dấu hiệu ngày càng gia tăng đang khiến Tây Ban Nha phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm gần đây.

Một người đàn ông ôm thùng phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Barcelona. Ảnh: REUTERS



Ngày 2-10, chính quyền xứ Catalonia thông báo, đã có khoảng 2,26 triệu người đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha và có tới 90% ủng hộ quyết định này. Số lượng người tham gia bỏ phiếu chiếm khoảng 42,3% trong tổng số 5,34 triệu cử tri vùng Catalonia. Trong khi đó, tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra giữa Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha ngay sau cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 2-10, lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont cáo buộc chính quyền sử dụng hành động bạo lực một cách phi lý trong chiến dịch trấn áp cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của khu vực này. Phát biểu với báo giới, ông C.Puigdemont nhấn mạnh, việc cảnh sát sử dụng dùi cui, đạn cao su và bạo lực nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu vốn bị chính quyền trung ương coi là bất hợp pháp, cho thấy “một hình ảnh bên ngoài đáng sợ của Tây Ban Nha". Điều này càng cho thấy nguyện vọng trở thành nhà nước độc lập của người dân vùng này là đúng.

Phản ứng trước những động thái mới này, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định, người dân vùng Catalonia đã bị lừa dối và không hề có cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập cho vùng này. Theo Thủ tướng M.Rajoy, hầu hết người dân Catalonia đã không muốn tham gia cuộc trưng cầu dân ý mà chính quyền vùng lên kế hoạch tổ chức. Ông kêu gọi chính quyền vùng Catalonia chấm dứt việc đi theo con đường mà ông cho rằng "chẳng hề dẫn đến đâu cả". Ông M.Rajoy cũng hối thúc các chính trị gia vùng Catalonia tuân thủ luật pháp, chấm dứt mọi hành vi bất tuân dân sự và ngừng các hành động quá khích khiến tình hình leo thang căng thẳng.

Từ trước tới nay, Tòa án Hiến pháp và chính quyền trung ương Tây Ban Nha luôn khẳng định cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia là vi hiến, đồng thời đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh Châu Âu (EU). Vì thứ nhất, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý như vậy, còn chính quyền vùng không có thẩm quyền trong việc này. Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật EU, không hề có điều khoản nào hỗ trợ về mặt pháp lý cho một cuộc trưng cầu dân ý như ở Catalonia.

Hiện tại, chưa biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với vùng Catalonia, nhưng rõ ràng sau cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền trung ương Tây Ban Nha chắc chắn sẽ phải có các giải pháp để ổn định tình hình đất nước. Rộng hơn, qua câu chuyện Catalonia, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ phải tính đến những giải pháp để hạn chế "mầm" ly khai cùng xu hướng phân hóa đang có nguy cơ lan rộng, thách đố chủ quyền của nhiều quốc gia tại cựu lục địa. Khủng hoảng tại Tây Ban Nha rất có thể sẽ khơi mào cho hàng loạt phong trào đòi ly khai ở trong khu vực, như đảo Corsica ở Pháp, các khu vực công nghiệp phát triển phía Bắc Italia, vùng Flander và Wallonia ở Bỉ, đảo Faeroe ở Đan Mạch… Nguy hiểm hơn, nó có thể cổ xúy cho phong trào tiếp tục "xé rào" ra khỏi EU để tìm lợi ích riêng như Anh đã làm trong thời gian qua.

Quỳnh Dương