Đồng nhất niên hạn sử dụng taxi không quá 12 năm: Bảo đảm công bằng và an toàn
Giao thông - Ngày đăng : 06:49, 03/10/2017
Quy định niên hạn sử dụng taxi hợp lý sẽ bảo đảm công bằng, an toàn, thúc đẩy thị trường taxi hoạt động lành mạnh. Ảnh: Hoàng Hà |
Lách luật, phá vỡ quy hoạch
Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng hàng nghìn taxi được đăng ký và cấp phù hiệu tại các tỉnh, thành phố lân cận, như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… nhưng lại thường xuyên hoạt động trên địa bàn Hà Nội, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng, phá vỡ quy hoạch taxi của Thủ đô.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT Hà Nội) cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 19.000 xe taxi thuộc 77 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh. Do chủ trương giữ ổn định số đầu phương tiện taxi trên địa bàn thành phố nên Hà Nội đã dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe đang hoạt động. Trước tình hình đó, một số đơn vị đã "lách" luật bằng cách mở trụ sở, đăng ký kinh doanh taxi trên địa bàn một số tỉnh, thành phố giáp ranh với Hà Nội để được cấp phù hiệu, sau đó đưa phương tiện quay trở lại địa bàn Hà Nội hoạt động. Sở GT-VT Hà Nội đã chủ động phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GT-VT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam và sở GT-VT các địa phương để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, một số địa phương chưa chú trọng phối hợp nên đến nay hiện tượng này vẫn tiếp diễn.
Qua ghi nhận của lực lượng chức năng, không ít xe taxi "lách" luật, đăng ký tỉnh ngoài rồi về hoạt động tại Hà Nội là phương tiện đã cũ nát, không bảo đảm an toàn. Thậm chí có những chiếc xe Matiz, Toyota Innova có tuổi đời trên 10 năm vẫn ì ạch chở khách. Những xe này được các tỉnh cấp phù hiệu xe taxi, bởi theo quy định hiện hành, niên hạn sử dụng taxi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là 8 năm và các địa phương khác là 12 năm. Khi gần hết 8 năm, các hãng đưa xe về các tỉnh lân cận để hợp thức hóa.
Đại diện một số sở GT-VT địa phương thừa nhận, đã từng cấp khá nhiều phù hiệu cho xe taxi có biển kiểm soát Hà Nội. Trong khi, lẽ ra doanh nghiệp muốn được cấp phù hiệu xe taxi phải chuyển vùng, đăng ký cấp biển số của địa phương trước. Có thời điểm, lực lượng chức năng kiểm tra doanh nghiệp thì trụ sở chi nhánh, văn phòng tại địa phương không có nhân viên, người điều hành. Gọi điện theo số máy niêm yết thì không có xe phục vụ. Những bất cập trên đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ. Và, việc thống nhất niên hạn sử dụng taxi cũng là một trong những giải pháp nhằm loại bỏ tình trạng xe không bảo đảm chất lượng, "lách" luật tiếp tục hoạt động.
An toàn là trên hết
Taxi là loại hình dịch vụ cần được quản lý chặt chẽ nhằm góp phần ổn định thị trường vận tải. Ảnh: Sơn Hà |
Đang có những quan điểm trái chiều về đề xuất của Bộ GT-VT quy định niên hạn sử dụng taxi không quá 12 năm. Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Nhà nước nên bỏ quy định niên hạn với taxi và để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp phải tự đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng.
Còn ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) lại nhấn mạnh: Quan điểm của Sở GT-VT Hà Nội là cần có quy định về niên hạn sử dụng. Trung bình xe taxi hoạt động từ 3.500 đến 4.500km/tháng, nên sau 5-7 năm chất lượng xe đã xuống cấp. Vì vậy, quy định niên hạn là nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách, lái xe và người tham gia giao thông. Trong dự thảo Quy chế quản lý xe taxi TP Hà Nội đang hoàn thiện có quy định phân vùng hoạt động, màu sơn, điểm dừng, đỗ… Đồng thời, cắm biển hạn chế các tuyến phố taxi được phép dừng đỗ (ưu tiên taxi đã có trong danh sách đăng ký vùng) và tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, để hạn chế hoạt động của taxi "dù", taxi ngoại tỉnh cố tình vi phạm quy định về kinh doanh vận tải.
Một số chuyên gia cho rằng, việc quy định đồng nhất niên hạn sử dụng xe taxi không quá 12 năm, không phân biệt loại đô thị là hợp lý, tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu giữ niên hạn sử dụng taxi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 8 năm và các tỉnh khác là 12 năm như hiện nay, sẽ dễ biến các địa phương thành “nơi gửi danh” của doanh nghiệp taxi hoạt động ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như đã diễn ra thời gian qua. Thực tế, đa số lái xe taxi phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hành khách bị lực lượng chức năng xử lý đều rơi vào trường hợp taxi "dù" hoặc taxi có đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác. Điển hình gần đây nhất là lái xe của doanh nghiệp taxi Đại Hòa Phát, có biển kiểm soát ở Hà Nội nhưng lại do Sở GT-VT Vĩnh Phúc quản lý, đã "chặt chém" vợ chồng du khách người Hà Lan tới 870.000 đồng cho quãng đường hơn 6km.
Hiệp hội Taxi Hà Nội đã từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT, UBND TP Hà Nội xem xét, gia hạn niên hạn sử dụng xe taxi thêm 12 tháng trong thời gian chờ Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được sửa đổi và ban hành. Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, quy định xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác, có thể dẫn tới hàng nghìn xe taxi của các doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động để chờ đầu tư mới thay thế và hàng nghìn lái xe taxi sẽ bị mất việc do khoảng 20-30% xe hết niên hạn sử dụng mà không có điều kiện để thay mới kịp thời. |