Hạn chế học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ: "Ba nhà" cùng nghiêm

Giáo dục - Ngày đăng : 06:25, 04/10/2017

(HNM) - Tình trạng học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông đang khiến các nhà trường đau đầu, phụ huynh lo lắng, dư luận bức xúc...

Tình trạng học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên phố diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Anh Tuấn


Nhiều quy định, ít hiệu quả

Trong tháng 9-2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ra quân phát động học sinh, sinh viên hưởng ứng “Tháng hành động an toàn giao thông” năm 2017 và tổ chức cho các Sở Giáo dục - Đào tạo ký cam kết về việc tăng cường giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Tại sự kiện này, 1.000 học sinh, sinh viên đã tham gia hưởng ứng nhiều hoạt động tại cộng đồng, thể hiện quyết tâm tuân thủ các quy định về an toàn giao thông nói riêng và chấp hành các quy định của nhà trường, pháp luật nói chung.

Điều khiến dư luận xã hội quan tâm, sau những lời phát động, các hoạt động hưởng ứng nêu trên, chính là: Ý thức và hành vi tuân thủ các quy định về an toàn giao thông của học sinh, sinh viên liệu có chuyển biến, hay hết phong trào rồi đâu lại vào đó? Dạo quanh một số cổng trường: THCS Tô Hoàng, THCS Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), THPT Trần Phú, THPT Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm), THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình)… vào giờ tan học, tình trạng học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện đứng túm năm, tụm ba, dàn hàng ngang tràn xuống lòng đường, không đội mũ bảo hiểm khá phổ biến. Cũng không khó để bắt gặp những bóng áo trắng học trò đi xe máy phân khối lớn (dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên) đầu trần, chở quá số người quy định trên các đường phố.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, phụ huynh học sinh Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng), việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông của học sinh chưa bền vững. “Nhiều học sinh chỉ tuân thủ một cách đối phó vào những ngày đầu năm học hoặc vào các đợt nhà trường thường xuyên nhắc nhở, giám sát chặt. Gia đình tôi luôn nghiêm khắc, song bạn này thấy bạn kia lái xe để đầu trần vài hôm không sao là lại bắt chước, nhiều khi có đem mũ bảo hiểm đi theo cũng không đội” - bà Nga cho biết thêm.

Việc học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông có thể bị xử lý ở mức cao nhất là buộc thôi học có thời hạn, xếp loại hạnh kiểm yếu là nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2011, tại Điều lệ trường học và Quy định đánh giá xếp loại học sinh, song chưa có đơn vị nào áp dụng triệt để

“Ba nhà” cùng phải nghiêm

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội, tỷ lệ tai nạn giao thông của học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, chiếm khoảng 55% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh. Tỷ lệ học sinh đi xe máy khi chưa đủ điều kiện chiếm 7%. Điều đó cho thấy, đây là đối tượng cần được tập trung quan tâm giáo dục của các lực lượng, nhằm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông.

Theo ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên), tỷ lệ học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện chiếm khoảng 60% trong tổng số 1.100 học sinh toàn trường. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, nhà trường còn cử giáo viên cắm chốt ở một số địa điểm tại các ngả đường dẫn vào trường để kịp thời chấn chỉnh các hành vi sai phạm. Thực tế cho thấy, nếu phụ huynh không hợp tác, nghiêm khắc, đồng lòng cùng nhà trường giáo dục, xử phạt khi học sinh mắc lỗi, thì nhà trường có nỗ lực đến bao nhiêu cũng không hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Ngân, phụ huynh học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) thừa nhận, hầu hết các ông bố, bà mẹ đều tức giận, thậm chí dùng roi vọt khi các con đi học muộn, bị điểm kém, nhưng hiếm người mắng, phạt khi các con bị nhắc nhở, phê bình vì không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Nhiều khi thấy các con bị công an thu giữ phương tiện, hoặc bị nhà trường “làm găng”, bố mẹ lại tìm cách xin cho con thoát lỗi.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, công việc này không chỉ cần sự nỗ lực của nhà trường, mà cần sự chung sức kiên trì, có trách nhiệm và nghiêm khắc của cả ba nhà "nhà trường, gia đình và xã hội" trong việc chấn chỉnh, rèn thói quen chấp hành nội quy, quy định của pháp luật, từ đó mới có thể tạo chuyển biến một cách bền vững về ý thức và hành vi tuân thủ các quy định về an toàn giao thông của học sinh. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục của nhà trường, việc xử lý kỷ luật nghiêm khắc khi học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông cần được thiết lập lại một cách thống nhất và kiên quyết hơn, tránh tình trạng nơi lỏng, nơi buông, khiến học sinh nhờn. Lực lượng cảnh sát giao thông cần mạnh tay hơn với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi danh sách về nhà trường để kịp thời có biện pháp giáo dục, răn đe.

Có lẽ, đã đến lúc các nhà trường không thể chần chừ, nếu cứ kêu gọi suông, tình hình vi phạm các quy định về an toàn giao thông của học sinh sẽ mãi còn là câu chuyện gây nhức nhối trong toàn xã hội.

Thống Nhất