Gỡ khó cho “tam nông” ở Hoài Đức
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 04/10/2017
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung, nét nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện là đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, chiếm 93%; nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 7%. Có được kết quả này, Hoài Đức đã phát huy thế mạnh huyện ven đô, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Toàn huyện hiện có 8 cụm công nghiệp (diện tích 130ha) và 12 làng nghề truyền thống đã được UBND TP Hà Nội công nhận, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Lĩnh vực nông nghiệp của huyện Hoài Đức tuy chiếm tỷ trọng không lớn nhưng lại liên quan đến đời sống của nhiều hộ dân. Do vậy, việc quan tâm đến phát triển nông nghiệp được địa phương đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cho giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 838ha. Trong đó, vùng trồng cây ăn quả có diện tích 540ha với nhiều loại cây trồng đặc sản như: Bưởi, cam, phật thủ, nhãn chín muộn. Riêng quả nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương của huyện đã được công nhận nhãn hiệu tập thể; bình quân giá trị thu nhập của cây ăn quả đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, Hoài Đức có gần 300ha trồng rau an toàn, giá trị thu nhập bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha/năm...
Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện Hoài Đức đều được triển khai xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,5%. Hoài Đức đã có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang được trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này là tiền đề thuận lợi để huyện Hoài Đức trở thành quận trong thời gian tới.
Tuy vậy, huyện Hoài Đức vẫn còn một số khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội cần tháo gỡ. Cụ thể, huyện nằm trong quy hoạch đô thị trung tâm, các quy hoạch phân khu của thành phố nên việc phát triển sản xuất tại các cụm công nghiệp làng nghề và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Chí Lợi cho biết, theo quy hoạch, xã Sơn Đồng nằm trong vùng phát triển đô thị trung tâm (phân khu S2). Quy hoạch xây dựng nông thôn mới bị chồng lấn với quy hoạch trên gây khó khăn cho địa phương trong triển khai các dự án nông thôn mới theo quy định.
Ngoài ra, huyện Hoài Đức có 10 xã vùng ven sông Đáy do chịu ảnh hưởng của vùng phân lũ nên việc phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn. Huyện đã đề nghị các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy làm cơ sở để các xã vùng bãi quy hoạch và triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội... Hoài Đức cũng cần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp đất dịch vụ cho nhân dân, nhất là tại xã An Khánh và Lại Yên. “Ở các xã này, người dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhiều năm nhưng chưa được hưởng chính sách đất dịch vụ, gây khó khăn cho địa phương khi triển khai giải phóng mặt bằng các dự án khác và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp. Huyện Hoài Đức mong các sở, ngành liên quan sớm có hướng tháo gỡ” - Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Vương Duy Hướng cho biết.
Mới đây, làm việc với huyện Hoài Đức về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã lưu ý huyện Hoài Đức quan tâm giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất để bảo đảm đời sống người dân và an ninh nông thôn.