“Thầy giáo” quân hàm xanh dốc lòng dạy học tại xã nghèo

Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 10:00, 05/10/2017

Tận tâm dạy chữ và chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em học sinh, “thầy giáo” quân hàm xanh Giàng A Trú hi vọng tương lai của trẻ em nơi xã nghèo Tả Gia Khâu sẽ tươi sáng hơn.

Kiên trì vận động học trò đến trường

Năm 2012, anh Giàng A Trú tốt nghiệp Đại học Biên phòng với tấm bằng giỏi. Dù có nhiều cơ hội công việc ở thành phố Lào Cai nhưng anh Trú vẫn quyết định về công tác tại xã Tả Gia Khâu - một trong những xã nghèo nhất tại Lào Cai.

Nhiều năm công tác ở vị trí Đội trưởng Vận động quần chúng tại Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, anh Trú trăn trở với công tác xóa mù chữ người dân nơi đây. Ngoài mở các lớp xóa mù chữ, đồn biên phòng Tả Gia Khâu còn nhận đỡ đầu cho 19 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, 2 em được đồn biên phòng nhận về nuôi dưỡng và dạy dỗ.

Gian nan nhất trong hành trình gieo chữ ở vùng sâu, vùng xa chính là việc vận động người dân cho con đến trường.

Thượng úy Giàng A Trú là một trong số những chiến sĩ quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017. Chương trình do Bộ GD-ĐT, Trung ương Hội LHTNVN và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. 

Anh Giàng A Trú cho biết: “Người dân ở đây sống khép kín trong bản làng xa xôi, vốn không thích người lạ nên để khuyên họ cho con học chữ, cách tốt nhất là làm cho họ tin mình. Vì hiểu được tiếng Mông nên tôi cũng dễ dàng bồi đắp tình cảm quân - dân”.

Để thuyết phục hai anh em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên theo mình về đồn biên phòng để thuận lợi cho việc học, anh Giàng A Trú nói: “Cậu cũng họ Giàng, cùng họ với mẹ hai con nên con không phải sợ đâu, cứ đi theo cậu học chữ”.

Xem anh Trú là cậu, hai em Khoa và Xuyên chuyển đến sống trong đồn biên phòng, được đi học mỗi ngày. Không chỉ dạy chữ, anh Trú và đồng đội còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và tâm tình của Khoa và Xuyên. Nhiều lúc, cả hai anh em đều khóc vì nhớ mẹ nên mình phải an ủi” - anh Giàng A Trú kể.

“Các chú bộ đội là thầy, là người thân”

Sau nhiều nỗ lực bồi đắp tình cảm, các em học sinh, trong đó có Khoa và Xuyên dần quen với cuộc sống tại đồn biên phòng và xem các chú bộ đội như những người thân. Hai em Khoa và Xuyên đã biết đọc, biết viết và cởi mở hơn với những người xung quanh. “Ở đồn biên phòng, cháu được ăn ngon, được đi học nên thấy vui. Cháu cũng muốn trở thành bộ đội biên phòng như các chú” - em Ma Seo Khoa nói.

Thượng úy Giàng A Trú và hai em Khoa, Xuyên.


Đặc biệt, anh Giàng A Trú còn tự hào “khoe” có một em học sinh nữ của anh đã đỗ vào trường nội trú của tỉnh Lào Cai. Những lớp học xóa mù chữ của anh và đồng đội không duy trì được 100% sĩ số nhưng cũng được 70%. Lúc đông nhất, khoảng 90% bà con mà các anh vận động đã đến lớp.

Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long chia sẻ thêm về chương trình:

- Tại sao "Chia sẻ cùng thầy cô" 2017 lại quyết định tuyên dương người này, thưa ông?

"Chia sẻ cùng thầy cô" tin rằng, các chiến sĩ biên phòng xứng đáng nhận được sự sẻ chia và tuyên dương của toàn xã hội, vì ngoài nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, các chiến sĩ bộ đội biên phòng còn góp phần tích cực vào công tác xóa mù chữ cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa. Nếu thiếu những con người ấy, trẻ em vùng sâu vùng xa vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, sẽ không bao giờ biết đến con chữ, không bao giờ được tận hưởng niềm vui học tập.

Vì vậy, "Chia sẻ cùng thầy cô" muốn truyền đi những câu chuyện cảm động về tấm lòng của người thầy và tình thầy - trò từ những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long.


- Những chuyến đi thăm thầy cô luôn là điểm nhấn của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", tại sao chương trình lại chú trọng đến hoạt động này?

Như các năm trước, những chuyến đi thăm các thầy giáo quân hàm xanh vẫn sẽ diễn ở ba miền Bắc – Trung – Nam nhằm động viên tinh thần và chia sẻ cùng các thầy cô. Chúng tôi luôn muốn trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, trăn trở của các thầy cô giáo về chuyện nghề, chuyện đời để tổ chức các hoạt động của chương trình thiết thực và ý nghĩa.

Năm nay, những chuyến đi của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ dừng chân tại các đồn biên phòng của tỉnh Lào Cai và sắp tới là các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam. Chúng tôi tin rằng năm nay, câu chuyện về tình thầy – trò, tình quân – dân và hơn hết là tình cảm gắn bó như những người thân trong gia đình giữa thầy giáo quân hàm xanh và các học trò, sẽ là một điểm sáng của chương trình với sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Đông Hưng