Cách làm mới của Liên Phương
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 05/10/2017
Thực hiện “ba không”
Chủ tịch UBND xã Liên Phương Uông Văn Hạnh cho biết, xác định giữ gìn môi trường là công việc khó, nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, địa phương đã ưu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường và triển khai đến các chi bộ, đoàn thể, khu dân cư, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách địa bàn thực hiện. Ngoài tăng thời lượng phổ biến kiến thức về môi trường trên hệ thống loa truyền thanh, thành lập các tổ tự quản, tự giám sát vệ sinh môi trường, UBND xã còn tổ chức cho các khu dân cư ký giao ước thi đua, thực hiện cam kết “ba không”: Không đổ rác thải bừa bãi; không vứt xác động vật ra nơi công cộng; không chặt phá cây xanh...
Một góc giếng làng Phương Quế, xã Liên Phương (huyện Thường Tín). |
Để phát huy sức mạnh của toàn dân trong giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xã Liên Phương chú trọng vai trò của các chức sắc tôn giáo. Trụ trì chùa Phương Quế, Đại đức Thích Thanh Long cho biết: Bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì vậy, trong các khóa lễ sám hối hằng tháng, nhà chùa thường lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn các tín đồ cách giữ gìn, bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất là phân loại rác thải tại gia đình…
Ông Vũ Văn Khanh, phật tử chùa Phương Quế chia sẻ: "Trước đây, bao nhiêu rác thải sinh hoạt là gia đình tôi đều bỏ vào túi ni lông rồi đốt; nhưng từ khi được tuyên truyền, tôi đã từ bỏ thói quen này. Giờ đây, phần lớn các phật tử ở địa phương đều giữ lại thức ăn thừa phục vụ chăn nuôi, không bỏ bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh mương, đồng ruộng làm chết sinh vật, gây hại sức khỏe cho con người…".
Góp công của cải tạo giếng làng
Là bậc cao niên trong làng, ông Nguyễn Đình Sâu cho biết, giếng làng Phương Quế trước đây rất thoáng, rộng, sạch sẽ, là nguồn nước sinh hoạt duy nhất của thôn. Sau này, do nhiều gia đình khoan giếng nên giếng làng dần trở thành phế tích, rồi bị lấn chiếm làm nơi trồng cây, dựng lều quán bán hàng, làm công trình phụ và chứa rác thải…
Để bảo vệ cảnh quan của làng, nhân dân thôn Phương Quế đã tổ chức họp và thống nhất cùng nhau góp công, góp của quyết tâm cải tạo, chỉnh trang giếng làng... Được nhân dân tin tưởng, chính quyền địa phương chấp thuận, Đại đức Thích Thanh Long đã phát động phật tử, người dân trong làng, ngoài xã quyên góp được 1 tỷ đồng để cải tạo giếng làng. Trong quá trình cải tạo, chỉnh trang giếng làng, còn dư kinh phí, người dân Phương Quế tiếp tục xây dựng mở rộng cổng làng. Để thực hiện tốt các phần việc này, nhân dân trong thôn đã thành lập Ban Quản lý giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong chi tiêu và chất lượng xây dựng công trình.
Những hộ dân “trót chiếm” diện tích giếng làng, cổng làng cũ đã tự giác tháo dỡ công trình, vườn cây… trả lại cho thôn. Trong quá trình xây dựng, các tổ chức đoàn thể của thôn như đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi đã tự phân công đảm nhiệm phần việc nạo vét lòng giếng, thu dọn rác thải, xây dựng bờ kè, cống thu gom nước mưa, nước thải... Điều đáng phấn khởi là trong suốt thời gian này, thôn Phương Quế như có hội, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt...
Sau khi được cải tạo, chỉnh trang, hiện nay diện tích giếng làng được mở rộng; khuôn viên giếng có đủ hạng mục bờ kè, tường bao, đường dạo, cây xanh, ghế đá... đã trở thành không gian văn hóa của người dân thôn Phương Quế. Buổi sáng tấp nập người dân tập thể dục, đi dạo; buổi chiều con trẻ nô đùa, người lớn ngồi hóng mát, chuyện trò những khi nông nhàn…