Để chợ phát huy hết công năng...

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 05/10/2017

(HNM) - Hạ tầng quy mô nhỏ, nguồn gốc hàng hóa và chất lượng thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ… là thực trạng đang diễn ra tại các chợ đầu mối, chợ hạng I trên địa bàn TP Hà Nội. Để khắc phục, thành phố đang tìm giải pháp tháo gỡ về cơ chế, thu hút các nguồn lực xây dựng, cải tạo, hình thành các khu chợ sạch đẹp, văn minh, hấp dẫn khách hàng.

Nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc, nhưng chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) vẫn khá lay lắt. Ảnh: Minh Sơn


Nhiều chợ hoạt động chưa hiệu quả


Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có hai chợ đầu mối (chợ Minh Khai và chợ phía Nam), 6 chợ có tính chất đầu mối (chợ Bắc Thăng Long, chợ Phùng Khoang, chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ hoa Quảng An) được đánh giá là chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Trong đó, chợ đầu mối Minh Khai có diện tích 30.000m2 với tổng số 1.000 hộ kinh doanh. Nông sản, thực phẩm buôn bán tại chợ khoảng 180 - 200 tấn hàng/ngày.

Trong khi đó, tại nơi được coi là điểm đầu mối cung cấp các loại cá cho thành phố là chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) diện tích khoảng 7.000m2, có 100 - 150 tấn cá các loại luân chuyển qua chợ/ngày… Chợ đầu mối phía Nam, tại Khu đô thị Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có diện tích 23.400m2 khu vực chợ và 21.700m2 khu vực trung chuyển hàng hóa là nơi cung cấp nông sản, thực phẩm từ nguồn hàng tại các địa phương như huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), tỉnh Hà Nam và các tỉnh phía Nam cho thị trường Hà Nội; có 250 - 300 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ mỗi ngày.

Khoảng 3 - 4h sáng hằng ngày, thực phẩm tươi sống từ các nơi đổ về chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) bằng đủ mọi phương tiện như ô tô, xe máy... nhưng công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất đáng lo ngại. Thể hiện rõ nhất là ở chính mức giá thịt lợn dao động từ 24.000 đến 35.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị San, một tiểu thương đã có thâm niên hơn 30 năm kinh doanh thịt lợn tại chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng) "nhận định": Các lò mổ uy tín, được kiểm dịch thì không thể bán với giá rẻ như vậy được. Hiện, giá thịt bán lẻ tại các chợ đã dao động từ 80.000 đến 110.000 đồng/kg. Như vậy, loại thịt siêu rẻ kia chỉ có thể là lợn bị bệnh. Bác Hà Thu Thủy (trú tại Minh Khai, quận Hoàng Mai) thường đi chợ sớm cho biết hiện tượng, thực phẩm không bảo đảm chất lượng ở chợ đầu mối được tiểu thương mua với giá rẻ để bán lại cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán cơm vỉa hè...

Một vấn đề khác là chợ... vắng khách hàng: Nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc, nhưng chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) một thời buôn bán sầm uất, giờ đây chỉ còn hoạt động lay lắt. Hàng loạt các ki ốt đóng kín, phủ bạt, không gian chợ ẩm thấp, chỉ có một vài ki ốt của những tiểu thương đã nhiều tuổi còn bám trụ. Bà Mai Thị Thu Trà, chủ ki ốt bán vải tại chợ buồn bã cho biết, tình hình kinh doanh ngày càng sa sút, từ hơn 180 quầy hàng, nay chỉ còn chưa đầy 70 quầy còn hoạt động. Chợ Ngã Tư Sở là một trong số rất nhiều chợ trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng xuống cấp, kinh doanh không hiệu quả, nhưng chưa có giải pháp cải tạo.

Thành phố hiện có 454 chợ với tổng diện tích 1,7 triệu mét vuông, là nơi buôn bán của khoảng 90.000 hộ kinh doanh. Hầu hết các chợ đều được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, không bảo đảm các điều kiện hoạt động về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị, phòng cháy, chữa cháy… Nhiều chợ vắng cả người bán lẫn khách mua, gây lãng phí lớn.

Phải đổi mới cách quản lý, vận hành

Chợ Long Biên được đánh giá là chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ.


Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, sẽ có 5 chợ đầu mối tại Khu đô thị Long Biên (Gia Lâm) - diện tích 30ha, huyện Quốc Oai - diện tích 20ha, Khu đô thị Mê Linh - diện tích 30ha, Khu đô thị Phú Xuyên - diện tích 30ha, thị xã Sơn Tây - diện tích 30ha được xây dựng. Hiện, dự án chợ đầu mối khu vực Long Biên đã được Công ty CP Panasia One (Hàn Quốc) đề xuất nghiên cứu thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện hệ thống chợ đầu mối của thành phố quy mô quá nhỏ, nếu cải tạo, nâng cấp cũng chỉ đáp ứng được vị trí cho các quầy kinh doanh. Trong khi các hoạt động phụ trợ khác như khu vực đấu giá, kho hàng để sơ chế, chế biến, bảo quản hàng hóa… hầu như không còn diện tích để bố trí. Vì vậy, nhu cầu đặt ra là phải xây dựng chợ đầu mối cấp vùng, đáp ứng đủ các yêu cầu về chợ đầu mối theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn logistics…

Một ví dụ rất đáng để tham khảo, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, là chợ đầu mối nông sản Sewonwany (Thái Lan), nằm cách thủ đô Bangkok 16km, có diện tích gần 30ha. Nông sản muốn đưa vào chợ Sewonwany tiêu thụ phải có giấy tờ của các cơ quan chức năng xác nhận bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, lực lượng kiểm dịch còn tổ chức kiểm tra xác suất chất lượng sản phẩm, nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ bị tiêu hủy hoặc chuyển làm thức ăn gia súc. Muốn xây dựng được chợ đầu mối nông sản hoạt động hiệu quả thì việc lên phương án thiết kế, cách quản lý, vận hành cần thiết phải mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm.

Từ thực tế hoạt động tại các chợ đầu mối, chợ cấp I trên địa bàn Hà Nội có thể thấy, nhu cầu mua sắm tại chợ là rất lớn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của kênh phân phối này, bên cạnh công tác quy hoạch tổng thể, cần nâng cấp, cải tạo kịp thời những khu chợ có sẵn hiện đã xuống cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng "đầu vào" để tạo niềm tin của người tiêu dùng, hộ kinh doanh, cũng như tránh lãng phí quỹ đất xây chợ.

Thanh Hiền