Siết chặt quản lý nợ công, giảm rủi ro tài khóa

Tài chính - Ngày đăng : 06:35, 05/10/2017

(HNM) - Báo cáo đánh giá chi tiêu công của Việt Nam do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao, ảnh hưởng đến khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn.

Các quy định mới thắt chặt, tiến tới thu hẹp để tập trung hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án, công trình. (Ảnh minh họa)



Chi thường xuyên tăng cao

Theo báo cáo của WB, nợ công của Việt Nam tăng mạnh do chính sách tài khóa nới lỏng những năm qua, với mức tăng từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 43,3% GDP (năm 2015), gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực. Nợ của chính quyền địa phương dù mới chiếm 0,9% GDP, nhưng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Báo cáo cũng chỉ rõ, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm). Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Đánh giá về chi tiêu công, báo cáo nhận định: Chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao. Tổng chi ngân sách nhà nước (gồm cả chi từ nguồn trái phiếu) bình quân chiếm 29,2% GDP giai đoạn 2011-2015, cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương. Cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong giai đoạn 2011-2015, cao hơn so với tỷ lệ 63:37 của giai đoạn 2006-2010. Chi thường xuyên liên tục tăng và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, lương, phụ cấp và trả lãi các khoản vay. Chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu ngân sách nhà nước, nhưng vẫn cao so với khu vực và thế giới.

Báo cáo cũng đưa ra 68 khuyến nghị chính, trong đó các biện pháp chính sách có thể được cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, bảo đảm bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển và bảo đảm các mục tiêu xã hội; các khuyến nghị về định hướng cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành. Đồng thời, báo cáo đưa ra những biện pháp nhằm bảo đảm cho sự phát triển tích cực của Việt Nam, cũng như biện pháp hỗ trợ thích hợp cho người nghèo và cận nghèo.

Nâng cao hiệu quả chi tiêu công

Trước những bất cập trong lĩnh vực chi tiêu công hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, để tài khóa bền vững, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho giai đoạn 2016-2020 về không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Song, để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công, giám sát rủi ro tài khóa chủ động hơn ở trung ương và địa phương.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Văn phòng WB tại Việt Nam cho biết, đánh giá này được thực hiện vào thời điểm Việt Nam đang đứng trước những sự lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng. Bản báo cáo sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, từ đó đưa ra những quyết sách cho kế hoạch, chính sách phát triển, tài chính và ngân sách trung hạn thời gian tới. Thông qua quá trình đánh giá, đối thoại liên tục giữa các bên, những nhận định và ý tưởng mới có thể được chuyển hóa thành hành động, chính sách và kết quả cụ thể để thu được hiệu quả cao. Thời gian tới, việc quan trọng của Việt Nam là bảo đảm năng lực đánh giá của Chính phủ, phối hợp giữa các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các khuyến nghị được nêu tại báo cáo đánh giá.

Để khắc phục những bất cập hiện tại trong lĩnh vực chi tiêu công, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) nhận định, cần nhanh chóng tái cơ cấu các khoản nợ từ ngắn hạn sang dài hạn để có thể đưa nợ công về mức an toàn trong 5 năm tới, muộn nhất là 10 năm.

Đức Anh