Bước lùi trong quan hệ Mỹ - Cuba
Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 06/10/2017
Mối quan hệ Mỹ - Cuba đang đứng trước một thời kỳ ảm đạm mới. |
Hiện tại, ít nhất 22 cán bộ làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba đã phản ánh các vấn đề về sức khỏe, như chấn thương não nhẹ, suy giảm thính lực, chóng mặt, buồn nôn. Các báo cáo khẳng định nguyên nhân là do hàng loạt vụ tấn công bí ẩn bằng sóng âm, nhưng tới nay bằng chứng cụ thể vẫn chưa được phía Mỹ cung cấp. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Quyết định trục xuất được đưa ra nhằm đáp trả việc Cuba không thể thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo vệ các nhà ngoại giao của chúng tôi”. Bộ Ngoại giao Mỹ không cáo buộc Cuba đứng sau vụ việc, nhưng cảnh báo La Habana có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của các nhà ngoại giao nước ngoài như đã quy định trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961.
Những rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai nước xoay quanh cáo buộc của Mỹ bắt đầu từ cuối năm 2016, khi các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và ít nhất 1 nhà ngoại giao Canada cần tới sự chăm sóc y tế với các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, mất thăng bằng. Tới tháng 5-2017, Mỹ đã trục xuất 2 cán bộ ngoại giao Cuba với lý do La Habana không có khả năng bảo vệ các nhân viên ngoại giao. Ba tháng sau đó, Washington cho biết 16 nhân viên ngoại giao nước này đang trong quá trình điều trị, nhưng các sóng âm bất thường dường như đã chấm dứt. Đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo 16 nhân viên sứ quán nước này tại Cuba đã bị tổn hại khi các đợt tấn công có dấu hiệu trở lại.
Căng thẳng được đẩy lên cao trào khi ngày 29-9 vừa qua, Washington ra lệnh cho các nhân viên không có nhiệm vụ khẩn cấp và gia đình họ rút khỏi Cuba để giảm thiểu số lượng người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công, đồng thời cảnh báo công dân nước này không tới Cuba du lịch. Đại sứ quán Mỹ tại La Habana đã ngừng cấp thị thực cho người Cuba muốn đến Mỹ và chỉ cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ. Chưa đầy một tuần sau đó, quyết định trục xuất các cán bộ ngoại giao của quốc đảo Caribe đã được Mỹ đưa ra, với lập luận đây là hành động cần thiết nhằm bảo đảm sự cân bằng về nhân sự giữa hai bên. Những người bị trục xuất và gia đình họ có 7 ngày để rời khỏi Mỹ, tính từ ngày 3-10.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez gọi đây là hành động khó lòng chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Mỹ đã không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về nghi án "tấn công bằng sóng âm". Trong bài phát biểu trước Liên hợp quốc hồi tháng 9, ông B.Rodriguez cũng khẳng định, Cuba chưa từng và cũng không bao giờ gây ra những hành động tấn công như vậy. Nước này cũng không bao giờ cho phép bên thứ ba sử dụng lãnh thổ để thực hiện mục đích tương tự.
Giới phân tích nhận định, nguy cơ quan hệ Mỹ - Cuba bước vào một thời kỳ ảm đạm mới là điều khó tránh. Tia sáng duy nhất hiện nay để mối quan hệ song phương này không diễn biến xấu hơn là việc Cuba luôn khẳng định sẵn lòng làm việc với Mỹ nhằm tìm ra giải pháp toàn vẹn. Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, việc trục xuất các nhà ngoại giao Cuba không phản ánh sự thay đổi chính sách của xứ Cờ hoa đối với quốc đảo Caribe. Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhìn nhận theo một cách rộng hơn rằng, điều này đồng nghĩa với việc quá trình "tan băng" để hướng tới một mối quan hệ nồng ấm hơn đã chững lại.