Phải chuyển mình theo hướng đi mới

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 06/10/2017

(HNM) - Sau 25 năm hình thành và phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu đang có xu hướng giảm, đòi hỏi các khu chế xuất, khu công nghiệp phải chuyển mình, thay đổi nhiều hơn trong giai đoạn mới để tăng lợi thế

Vai trò đầu tàu có xu hướng giảm

Đến nay TP Hồ Chí Minh có 19 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) được thành lập với tổng diện tích 4.532ha, trong đó 17 KCX-KCN đã đi vào hoạt động. Hiện có 1.371 dự án đầu tư hoạt động với số vốn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Không chỉ phát triển về kinh tế, sự ra đời của các KCX-KCN cũng giúp TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào nơi sản xuất tập trung, giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nội thành…

Doanh nghiệp hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh).



Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), có một số thách thức đặt ra trong quá trình phát triển hiện nay. Đó là đa số các dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn nhỏ. Từ năm 2004 đến nay, các KCX-KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào những ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của thành phố, song chưa có kết quả đột phá. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển, các KCX-KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng, chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo ông Nguyễn Văn Kích, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Hồ Chí Minh từng là đơn vị mở đầu và dẫn đầu về phát triển KCX-KCN trong một thời gian dài, nhưng những năm gần đây vai trò đầu tàu có xu hướng giảm. Cụ thể, các KCX-KCN của thành phố có chưa đến 10 doanh nghiệp có giấy chứng nhận công nghệ cao và tỷ lệ công nghệ cao vẫn ở mức thấp (khoảng trên 10%). Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, do bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng giao thông kết nối và nhất là giá đất nông nghiệp khiến việc xây dựng mới và mở rộng các KCX-KCN gặp khó khăn. Vì vậy, sau 25 năm phát triển, diện tích các KCX-KCN tập trung mới chỉ đạt được khoảng 50% theo quy hoạch.

Phát huy cơ chế “một cửa, tại chỗ”

Theo kế hoạch đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có 23 KCX-KCN tập trung với diện tích quy hoạch hơn 5.800ha. Nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 là chuyển dần các KCX-KCN hiện hữu thành KCX-KCN xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các khu mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao.
Để hoàn thành mục tiêu này, ông Nguyễn Hoàng Năng cho biết, sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Giai đoạn năm 2016-2025 phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 6 đến 8 tỷ USD. Theo một số chuyên gia kinh tế, các KCX-KCN của TP Hồ Chí Minh trước đây chủ yếu chú ý nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê, chưa quan tâm quyết liệt đến công nghệ cao và những vấn đề khác. Vì vậy, để đạt mục tiêu trên cần xây dựng các KCN đa ngành để tập trung vào những ngành cần thu hút, đáp ứng nhu cầu chuyên sâu về hạ tầng, giảm chi phí đầu tư; tập trung nhiều dự án ngành nghề tạo được chuỗi cung ứng và liên kết, sản xuất chuyên môn hóa cao…

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng, để phát triển KCX-KCN theo hướng đi mới, theo các chuyên gia kinh tế, nhất thiết quyền hạn của Ban Quản lý các KCX-KCN cũng phải tương xứng với vai trò, trách nhiệm mà mô hình này được giao nhiệm vụ. Theo Hepza, mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” đến nay phát sinh nhiều bất cập. Do các KCX-KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật nên việc ủy quyền cho ban quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong KCX-KCN chưa được thực hiện triệt để, thống nhất do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, hiện nay còn tình trạng chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản dưới luật liên quan đến các hoạt động trong KCX-KCN; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền chưa rõ ràng. Vì vậy, đề nghị các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật chuyên ngành cần có nội dung riêng điều chỉnh hoạt động trong KCX-KCN tập trung, trong đó cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ cho Ban Quản lý các KCX-KCN, để đơn vị này thực sự là nơi cung cấp dịch vụ hành chính một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, từ đó tạo sự thuận lợi cho sự thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ hơn vào các KCX-KCN.

Đặng Loan