Cuộc tổng duyệt cho ngày hội toàn quốc
Thể thao - Ngày đăng : 06:39, 07/10/2017
Một tiết mục biểu diễn tại buổi tổng duyệt Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ IX - năm 2017. Ảnh: Vũ Quỳnh |
Chọn môn thi đấu
Cách đây hơn một năm, Ban Tổ chức họp bàn, ra quyết định về số môn và giải đấu của Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) Thủ đô năm 2017. Khi đó, tiêu chí chọn môn thi đấu đã xác định: Chỉ những môn có trong chương trình thi đấu Olympic, môn thể thao cổ truyền và số ít môn hiện đại mà người dân Hà Nội ưa chuộng, thường xuyên tập luyện mới được đưa vào chương trình. Cách chọn lựa này phản ánh xu hướng phát triển của thể thao Hà Nội, trong đó có việc chú trọng những môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Vì thế, taekwondo, bóng rổ, bóng bàn, điền kinh, bóng đá, cầu lông, pencak silat, bơi, karatedo, vật tự do đã được chọn trong tổng số 18 môn thi đấu của Đại hội. Đó là cách làm thể hiện quyết tâm hướng tới những mục tiêu xa hơn của thể thao Thủ đô. Còn một số môn vốn là thế mạnh của Hà Nội, như wushu, vật cổ truyền, thể dục aerobic, đá cầu, bóng chuyền hơi, vovinam... vẫn được duy trì tổ chức.
18 môn thể thao với 22 giải đấu dành cho ba nhóm đối tượng gồm học sinh (10 giải); thanh niên, thiếu niên, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang (10 giải); người cao tuổi (2 giải), đủ để đánh giá khá toàn diện phong trào tập luyện TDTT ở mỗi nhóm. Như Giải Taekwondo học sinh TP Hà Nội trong khuôn khổ Đại hội thu hút gần 900 vận động viên tham dự - nhiều nhất từ trước đến nay. Con số này phản ánh phong trào tập luyện taekwondo ở Hà Nội khi số người tham gia thường xuyên lên tới hàng chục nghìn, trải đều ở hầu khắp quận, huyện, thị xã.
Để bảo đảm tiến độ tổ chức Đại hội TDTT Thủ đô, đa số giải đấu trong chương trình Đại hội được tổ chức trước lễ khai mạc, thu hút sự tham gia của hơn 9.000 vận động viên, tổ chức ở 10 điểm thi đấu. Các quận, huyện, thị xã đều chọn lựa kỹ, đầu tư xứng đáng cho vận động viên nên các cuộc đấu tại Đại hội giàu sức cạnh tranh, hấp dẫn. Đến nay, đã có 20/22 giải đấu được tổ chức, không để lại “điều tiếng” về mặt nhân sự.
Hướng đến Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc
Theo ông Nguyễn Phúc Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), hầu hết địa điểm thi đấu của Đại hội TDTT Thủ đô năm 2017 cũng sẽ là địa điểm thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Trong năm nay, việc tổ chức các môn thi đấu tại những địa điểm này là cơ hội đánh giá năng lực tổ chức của TP Hà Nội khi đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Thực tế cho thấy, Hà Nội có đủ sân bãi, nhà thi đấu để đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc, vấn đề là điều kiện về trang thiết bị tại đó có đáp ứng yêu cầu đặt ra với một sự kiện có quy mô toàn quốc hay không.
Đó là điều cần quan tâm bởi khi được chọn đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn, sự thành - bại không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của TP Hà Nội, liên quan tới công tác quảng bá về văn hóa, con người, tiềm năng du lịch của Thủ đô. Đơn giản vì khi Đại hội diễn ra, sẽ có hàng nghìn huấn luyện viên, vận động viên, nhà báo về Hà Nội, hàng vạn khách du lịch kết hợp cổ vũ các cuộc thi đấu. Bởi vậy trong thời gian qua, nhiều nhà thi đấu cấp quận, huyện đã được nâng cấp. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội có 9 công trình được đưa vào danh sách cần nâng cấp, trong đó có câu lạc bộ đua thuyền, sân thi đấu của câu lạc bộ bi sắt, sân tập luyện của câu lạc bộ điền kinh...
Ở khía cạnh khác, khâu quảng bá cho Đại hội giúp người dân, du khách hiểu hơn về Thủ đô cũng được quan tâm. Lễ rước đuốc qua một số quận; treo băng rôn, cờ phướn ở nhiều địa điểm... đã được thực hiện. Thực tế, cách rước đuốc Đại hội TDTT quận tới cơ sở từng được quận Hoàng Mai thực hiện thành công. Theo đó, ngọn đuốc Đại hội TDTT quận năm 2017 được rước tới các phường và có lễ đón, trao đuốc trang trọng. Nhờ đó, đông đảo nhân dân hiểu hơn về ý nghĩa của Đại hội TDTT.
Ngoài ra, lễ khai mạc cũng sẽ làm rõ khả năng gây ấn tượng của thể thao Thủ đô khi đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Nhiều người chờ đợi lễ khai mạc Đại hội TDTT Thủ đô năm 2017 để xem Hà Nội có thể tạo nên một buổi lễ gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem vào năm tới hay không.
Nhiều người không coi thể thao chỉ gồm những cuộc thi đấu và những tấm huy chương, mà còn là cơ hội lớn để quảng bá văn hóa, du lịch, con người. Vì thế, sự phối hợp giữa ngành Thể thao với một số ngành khác như Văn hóa, Du lịch... trong dịp tổ chức Đại hội cần phải được nâng lên một tầm mới, tăng tính chủ động nhằm kết nối, huy động tối đa nguồn lực xã hội để tạo nên một kỳ đại hội ấn tượng, thực sự là bước tổng duyệt về khả năng tổ chức các sự kiện thể thao quan trọng của Thủ đô. Hy vọng, các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 tại Hà Nội sẽ thực hiện tốt điều này.