Bước dịch chuyển chiến lược

Thế giới - Ngày đăng : 07:31, 07/10/2017

(HNM) - Từ ngày 4 đến 6-10, Quốc vương Salman Abdulaziz Al-Saud của Saudi Arabia đã thực hiện chuyến thăm Nga. Trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nga của một quốc vương Saudi Arabia đương nhiệm.


Theo giới quan sát, việc tăng cường hợp tác với Nga là một tính toán dài hạn trong chính sách đối ngoại của Saudi Arabia, đồng thời thể hiện tầm quan trọng về vị thế chính trị của Saudi Arabia trong việc kết nối giữa Nga với thế giới Arab. Điều này cũng cho thấy Nga đã khẳng định được vai trò không thể thiếu của mình ở Trung Đông.

Chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Saudi Arabia sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.


Mặc dù Liên bang Xô viết là quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Saudi Arabia độc lập từ năm 1926, song trong suốt hơn 9 thập kỷ qua, quan hệ giữa 2 nước từng chứng kiến nhiều biến cố, thăng trầm và có lúc gần như đóng băng. Chỉ đến khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, quan hệ giữa Saudi Arabia mới được tái lập với Nga. Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa vẫn diễn ra rất khó khăn. Chưa một Quốc vương Saudi Arabia nào từng thăm Liên Xô hay Nga, cho đến ngày 4-10-2017. Chính vì thế, khi lịch trình công du tới Mátxcơva được xác nhận, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubair đã gọi đây là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử.

Thực tế, đã có nhiều phân tích đưa ra lý do cho bước đi này của Riyadh. Đối với Saudi Arabia, khu vực Trung Đông đang dần mất đi sự cân bằng một cách nguy hiểm. Vì thời gian gần đây, Mỹ đã giảm dần sự hiện diện ở khu vực. Trong khi đó, Iran - đối thủ chính của Saudi Arabia ở khu vực - lại đang tăng cường ảnh hưởng của mình. Xét trong bối cảnh này, Nga rõ ràng là một đối tác rất phù hợp, vừa có thể lấp chỗ trống do Mỹ để lại, vừa có thể giúp kiềm chế Iran. Nhưng "cú hích" cuối cùng khiến cho quyết định công du sang Mátxcơva của Quốc vương Salman Abdulaziz Al-Saud có thể là tình hình chính trị trong nước. Hiện, Saudi Arabia đang tiến vào thời kỳ chuyển giao quyền lực. Thái tử Mohammed bin Salman, được kỳ vọng trở thành người kế vị, lại đang thiếu những kinh nghiệm cần thiết. Chiến thắng nho nhỏ trong cuộc chiến ở Yemen và việc cấm vận Qatar có vẻ không mang lại hình ảnh tích cực cho người được lựa chọn thừa kế ngai vàng. Cùng với đó, chương trình phục hồi kinh tế Saudi Arabia của Thái tử cũng bị nhiều hoài nghi. Vì vậy, chuyến thăm Nga được cho là sẽ giúp vua Salman Abdulaziz Al-Saud tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho việc chuyển giao quyền lực sắp tới bởi tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Mátxcơva ở Trung Đông.

Về phía Nga, thúc đẩy quan hệ song phương với Saudi Arabia sẽ giúp nước này thực hiện mong muốn gia tăng đòn bẩy chiến lược, nhằm cho phép Nga tăng cường hơn nữa sự hiện diện ở Trung Đông. Bên cạnh đó, Saudi Arabia là đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực dầu mỏ. Sự sụt giảm mạnh giá "vàng đen" từ năm 2014 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế hai nước. Do vậy, tìm kiếm sự đồng thuận của Riyadh, một thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sẽ mang lại những lợi ích lớn.

Vì lẽ đó, cả 2 bên đã cùng gạt sang một bên những tranh cãi trong quá khứ, đặt cột mốc mới cho mối quan hệ ngoại giao. Điều này được thể hiện qua sự đồng thuận trong nhiều lĩnh vực tại cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman Abdulaziz Al-Saud. Cùng với đó là việc ký kết 14 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, Chương trình hiện thực hóa hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân…

Rõ ràng, chuyến thăm này không chỉ là một biểu tượng cho sự "khởi động lại" mối quan hệ Nga - Saudi Arabia, mà còn cho thấy, Trung Đông sẽ chứng kiến những bước chuyển dịch chiến lược nhờ "cái bắt tay" giữa 2 quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực trong thời gian tới.

Quỳnh Dương