Lan tỏa lối ứng xử văn minh

Văn hóa - Ngày đăng : 06:38, 09/10/2017

(HNM) - Sau gần 9 tháng thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, văn hóa nơi công sở đã có những chuyển biến tích cực. Để lối ứng xử văn minh tiếp tục lan tỏa nơi công sở và trong cộng đồng, rất cần sự nêu gương, giám sát chặt chẽ của lãnh đạo


Thực hiện Quy tắc ứng xử góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Ảnh: Viết Thành


Những tấm gương sáng

Được phân công làm việc tại bộ phận “một cửa”, anh Lê Chung, công chức Văn phòng - thống kê của UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) luôn có thái độ hòa nhã, tinh thần trách nhiệm khi làm việc và tiếp xúc với công dân. Anh Lê Chung chia sẻ: “Thực hiện Quy tắc ứng xử do thành phố ban hành, UBND phường Phúc Diễn đã bổ sung thêm quy định về lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên cơ quan. Quan điểm của tôi là làm hết việc chứ không hết giờ. Vì vậy, tôi luôn cố gắng giải quyết sớm, không để lỡ việc của người dân và tổ chức khi đến giao dịch”. Tận tụy trong công việc, anh Chung còn có nhiều sáng kiến rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác. Từ năm 2014 đến nay, bộ phận “một cửa” của UBND phường Phúc Diễn đã nhận được 75 lượt ý kiến nhân dân khen ngợi trong sổ góp ý và hòm thư góp ý của phường. Bản thân anh Chung được bầu là một trong những điển hình trong phong trào thi đua thực hiện Năm kỷ cương hành chính 2017; được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu.

Tại quận Ba Đình, thực hiện Quy tắc ứng xử của thành phố, tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc quận đều rà soát, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình Vũ Thị Thêu cho biết: “Ngay khi có Quy tắc ứng xử, quận đã có chủ trương rà soát tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ bộ phận “một cửa” của 14 phường trên địa bàn. Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã đóng vai người dân đi đến các phường giải quyết thủ tục hành chính và bí mật ghi hình quá trình làm việc. Sau đó, quận mở các lớp tập huấn cho 100% cán bộ bộ phận “một cửa” của các phường, đưa ra những tình huống cụ thể khi giao tiếp với nhân dân để mọi người cùng trao đổi theo hướng mở. Sau khóa tập huấn, nhìn chung thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ bộ phận “một cửa” các phường đã có chuyển biến rõ rệt”.

Là người quản lý và cũng trực tiếp thực hiện công việc của cơ quan, anh Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp quản lý cầu Nhật Tân - Đông Trù đã nêu gương và có cách thể hiện cụ thể trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử của thành phố để đồng nghiệp cùng học tập và thực hiện. Đó là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên cầu Nhật Tân, chứng kiến không ít người điều khiển xe máy tham gia giao thông bị thủng lốp xe, phải dắt bộ vất vả, anh đã đề xuất thành lập “Đội vá xe miễn phí”. Từ ngày mùng 6 Tết Đinh Dậu đến nay, “Đội vá xe miễn phí” đã giúp đỡ kịp thời trên 50 trường hợp.

Hay như chị Nguyễn Ánh Tuyết, nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam - Chi nhánh Nội Bài, ngày 17-3-2017, trong khi làm nhiệm vụ phục vụ chuyến bay VN242 TP Hồ Chí Minh - Hà Nội tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, phát hiện một túi xách để quên ở khu vực ghế ngồi, đã kịp thời liên lạc trả lại tài sản cho hành khách. Giá trị tiền mặt và tài sản trong túi xách ước tính hơn 400 triệu đồng. Chị Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ: “Việc làm này không có gì to tát, chiếu theo Quy tắc ứng xử thành phố ban hành thì đó là việc mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nào ở vào trường hợp của tôi cũng thực hiện”...

Nhân lên những hành động đẹp

Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội được ban hành ngày 25-1-2017, gồm 4 chương, 11 điều, nêu rõ mục đích, đối tượng, phạm vi; các quy tắc ứng xử chung; quy tắc ứng xử với người dân; quy định về việc thực hiện. Quy tắc ra đời bước đầu đã hạn chế được hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thủ đô. Không những vậy, đây còn là một trong những “kim chỉ nam” góp phần nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, định hướng cho cán bộ, công chức các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội. Đầu tháng 10 này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục trình UBND thành phố dự thảo Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, trong đó quy định cả việc tham gia mạng xã hội thế nào cho đúng. Như vậy, những quy định chuẩn mực trong cách giao tiếp, làm việc với người dân cũng như giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau được quy định rất rõ.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chia sẻ: “Trong các vụ việc nổi cộm về cách ứng xử chưa đạt chuẩn của cán bộ, công chức được dư luận quan tâm gần đây có một số vụ liên quan đến phụ nữ. Vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ xác định phải tiếp tục tuyên truyền, vận động về Quy tắc ứng xử thành phố cho hội viên. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng đã bổ sung quy chế cơ quan, trong đó quy định về cách ăn mặc, giao tiếp, nhất là giao tiếp khi đi cơ sở và khi tiếp dân”. Để Quy tắc ứng xử của thành phố được thực hiện nghiêm túc, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: “Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng đoàn viên, thanh niên chiếm số lượng đông đảo với trình độ nhận thức, văn hóa ứng xử không đồng đều nên chúng tôi xác định tuyên truyền về Quy tắc ứng xử là nhiệm vụ rất quan trọng. Thành đoàn đã thực hiện một loạt mô hình điểm như: “Camera 360 trẻ”; “Phản ứng nhanh giao thông”; “Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa”… để nhân lên những hành động đẹp, đẩy lùi cái xấu. Cùng với đó, chúng tôi còn huy động 8 nghìn đoàn viên, thanh niên đi bộ truyền thông về Quy tắc ứng xử; thi tuyên truyền cổ động về thực hiện Quy tắc ứng xử…”. Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đào Văn Quân, để cán bộ, công chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, phải nêu cao vai trò của người đứng đầu. Ngoài việc gương mẫu, người đứng đầu phải thường xuyên kiểm tra nắm tình hình cán bộ, nhân viên của cơ quan để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Thực hiện Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cùng với sự theo dõi, đôn đốc sát sao của từng cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần tiếp tục nêu cao ý thức tự giác để lối ứng xử văn minh được thực hiện hiệu quả, thiết thực và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Hiền Phương