Trưng bày những tài liệu quý về "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội"

Văn hóa - Ngày đăng : 13:43, 09/10/2017

(HNMO) - 70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kĩ thuật của 6 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đã được trưng bày tại triển lãm

Nhà hát Lớn, một công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Hà Nội


Đây là những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bao gồm Nhà hát Lớn, Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Sở Bưu điện Hà Nội (hiện nay do Bưu điện TP Hà Nội quản lý và sử dụng), Trường Đại học Đông Dương (hiện nay do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội quản lý và sử dụng), Nha Tài chính Đông Dương (nay được dùng làm trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam) và cầu Doumer (nay là cầu Long Biên). 

Nằm trong chương trình tham quan lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Lớn Hà Nội, triển lãm sẽ diễn ra đến 27-10 tại sảnh tầng 1 của Nhà hát. Ban tổ chức đang xúc tiến thủ tục để triển lãm có thể tiếp tục được trưng bày tại Phố Sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, Hà Nội) vào tháng 11, phục vụ đông đảo công chúng.

Trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, với giấc mơ về một "Thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương", người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình, nổi bật lên là những công sở và công trình văn hóa mang phong cách phương Tây cùng một số công trình có sự kết hợp với kiểu kiến trúc bản địa và nhiều biệt thư mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp. Kiến trúc Pháp đã trở thành di sản có giá trị về văn hóa, kiến trúc và công năng ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác ở Việt Nam.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, các công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Những di sản kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao tạo nên diện mạo đô thị Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại. Các công trình này được nhiều người đặc biệt quan tâm về phương diện kiến trúc và công tác bảo tồn di sản trong nhiều năm qua. Có thể thấy, tài liệu lưu trữ kỹ thuật là nguồn tài liệu tham khảo đặc biệt có giá trị đối với nghiên cứu kiến trúc cũng như công tác bảo tồn các công trình xây dựng từ thời Pháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới tại lễ khai mạc, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh đến trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức, có chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, không làm đại trà mà phải biết lựa chọn các công trình tiêu biểu, các phương án bảo tồn khả thi, thiết thực, bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc và phát huy giá trị di sản của kiến trúc.

Mai Hoa