Người "truyền lửa" nghề khảm trai Chuôn Ngọ

Giới trẻ - Ngày đăng : 12:01, 09/10/2017

(HNMO) - Hơn 20 năm dành trọn tình yêu với nghề khảm trai, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng, thôn Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn tận tâm truyền nghề, chế tác ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

(HNMO) - Hơn 20 năm dành trọn tình yêu với nghề khảm trai, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng, thôn Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn tận tâm truyền nghề, chế tác ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng say sưa làm nghề.


Quyết tâm theo nghề

Sinh ra ở cái nôi của nghề khảm trai, anh Nguyễn Văn Lăng được tiếp cận với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Lúc rảnh rỗi, anh thường nhặt những mảnh trai đã bỏ đi rồi dùng keo gắn thành hình con vật, ngôi nhà, hoa lá…. Năm 10 tuổi, sau những buổi học văn hóa, anh lại về xưởng khảm của người thân để học nghề. Nhớ về buổi đầu học nghề, anh kể: “Hôm đó, tôi cứ động vào công đoạn nào là hỏng công đoạn đó. Khi thầy bắt đi mài dao tỉa, mài mãi không được, tôi đã đâm mũi dao xuống nền gạch và ném dao đi”. Khi trở về nhà, trong lòng cậu bé Lăng cứ day dứt khôn nguôi, vẫn muốn học nghề nhưng không biết phải học từ đâu.

Bức khảm chân dung Bác Hồ.


Những buổi học tiếp theo, vì sợ thầy mắng, anh chỉ dám đứng khép mình sau cánh cổng để nhìn thầy làm việc. Thời gian sau, nhờ sự động viên của gia đình, anh mới đủ can đảm đến gặp thầy và tiếp tục học nghề. Anh tâm sự: “Hơn 2 năm trời tôi chỉ được tập cắt những mảnh trai đã bỏ đi và ngồi mài dao khảm. Nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản, nghĩ thầy không thương mình nên không muốn truyền nghề. Nhưng sau này tôi mới hiểu, muốn thành nghề trước hết phải rèn tính kiên trì, nhẫn nại”.

Năm 16 tuổi, anh Lăng đã thạo nghề và theo chân thầy vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Thời gian đầu, anh chạy khắp các xưởng sản xuất đồ gỗ để kiếm việc làm thêm. Do thời đó, đồ khảm chưa được người tiêu dùng ưa chuộng nên anh phải làm thêm cả việc khác để có tiền trang trải cuộc sống. Hơn 10 năm lặn lội với đủ thứ nghề, anh nhận ra nơi đây không có tiềm năng để phát triển nghề khảm trai. Vì vậy, năm 2006, anh quyết định trở về quê lập nghiệp. Thời gian đầu, anh nhận khảm những bộ bàn ghế, giường, tủ..., nhưng công việc ít, số tiền kiếm được không đáng là bao buộc anh phải tìm hướng đi mới.

May mắn đã đến khi anh được một người bạn “mách nước” chuyển sang khảm những bức chân dung làm quà lưu niệm. Không chần chừ, anh bắt tay vào việc và lấy chân dung Bác Hồ để làm chủ đề chính cho những bức khảm. Anh chia sẻ: “Để truyền thần chân dung một người trên chất liệu khảm trai thực sự rất khó, từ đường nét khuôn mặt, ánh mắt, phải toát lên được thần thái của nhân vật nên ít người dám khảm mặt hàng này. Tôi chọn chân dung Bác Hồ làm chủ đề chính cho những bức khảm bởi tình yêu, sự kính trọng với Người sẽ đem lại cho tôi nguồn cảm hứng bất tận”. Không ngoài sự mong đợi, sản phẩm của anh được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Bức khảm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



"Truyền lửa" cho nghề truyền thống

Theo anh Lăng, để bức khảm có giá trị nghệ thuật cao, người thợ phải tìm được những loại gỗ có đường vân đẹp để làm mặt như: Gỗ gụ, gỗ trắc... và chọn nguyên liệu phù hợp với nội dung muốn thể hiện trong bức khảm. Đơn cử như khi khảm chân dung, người thợ nên sử dụng những mảnh ốc đỏ làm chủ đạo để nhân vật được nổi bật; còn bức phong cảnh nên chọn những nguyên liệu tối màu và điểm thêm mảnh ốc xanh, ốc đỏ... để tạo điểm nhấn.

Muốn theo nghề khảm trai, người thợ phải có chút năng khiếu về hội họa, niềm đam mê, sự sáng tạo và kinh nghiệm. Anh Lăng tâm sự: “Ở địa phương, nhiều hộ gia đình sở hữu xưởng khảm trai lâu đời nhưng thế hệ sau của họ không kế nghiệp. Những thanh niên thời nay thường chọn nghề theo trào lưu nên chẳng còn mấy người học nghề khảm trai”.

Để giữ nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng thường khuyến khích các cậu bé trong làng và người thân đến nhà anh truyền nghề cho. Mỗi năm, anh tiếp nhận từ 5 đến 7 học viên, có người theo anh được gần 10 năm và đã thạo nghề, nhưng có người chỉ học được vài tháng... Một người thợ khảm trai sau khi thạo nghề sẽ có thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Lục, một công nhân trong xưởng của anh Lăng đã có gần 10 năm theo nghề chia sẻ: “Để tạo ra một bức khảm hoàn chỉnh phải trải qua các công đoạn như: Đục gỗ theo nét vẽ, mài trai, gắn nguyên liệu, truyền thần, đánh bóng…. Chính vì vậy, mỗi người thợ sẽ làm một công đoạn nhất định từ dễ đến khó, nên nghề khảm cần nhiều nhân lực và cũng phải thật yêu nghề mới bám trụ được”. Ở trong xưởng, anh Lục cũng vừa làm nghề, vừa hướng dẫn cho các học viên mới.

Sự tận tâm của anh Lăng được không ít người trong làng, trong nghề nể phục. Ông Nguyễn Đình Thông, một thợ cao tuổi ở làng Chuôn Ngọ nhận xét: “Anh Lăng là nghệ nhân trẻ có tính sáng tạo cao và tâm huyết với nghề. Những sản phẩm do anh tạo ra được giới chuyên môn đánh giá cao và để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem”.

Quang Thái - Hồng Diễm