Tạo lực đẩy cho công nghiệp hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 10/10/2017
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH NOBLE (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Linh Ngọc |
Còn yếu về lượng và chất
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, công nghiệp hỗ trợ quyết định sức sống và sự tự chủ của ngành công nghiệp nói chung. Tuy nhiên, ở nước ta hiện chỉ có khoảng 0,3% số doanh nghiệp trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó Hà Nội mới có 658 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, không chỉ yếu về số lượng, mà chất lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lo ngại. Hiện nay, có đến 60% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp phục vụ cho ngành Da giày, Dệt may. Trong khi đó chỉ có 1 - 10% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao, điện tử, chế tạo ô tô… Mới đây, Tập đoàn Samsung công bố nhu cầu 170 sản phẩm, Hãng Toyota cũng công bố hàng trăm linh phụ kiện cần đối tác cung ứng, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không thể đáp ứng được.
Ông Nguyễn Hoàng nhận định, cơ hội lần thứ nhất để phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời điểm đó, chúng ta chưa hoàn thiện đầy đủ chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài; nguồn lực các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, phần lớn chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cao, diện tích đất "sạch" để kêu gọi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế là thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. Cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội chưa đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh với nhiều địa phương khác...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất HIKARI P&T Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, ngoài các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tự thiết lập được mối quan hệ đối tác cung - cầu sản phẩm, thì Nhà nước và thành phố nên xem xét có thêm các chương trình xúc tiến cũng như kết nối giao thương thông qua sở, ban, ngành hoặc hiệp hội. Từ đó, đưa hợp tác thành mối quan hệ giữa các quốc gia, thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay quan hệ giữa doanh nghiệp với nhau.
Xây dựng lộ trình cụ thể
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 20-9-2016, giao Sở Công Thương chủ trì, xây dựng Đề án "Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn”. Nhiệm vụ này cũng đồng nghĩa với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
Hiện Sở Công Thương đã xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, tập trung phát triển ba lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ cho ngành Dệt may, Da giày. Thành phố sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp với đối tượng sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; phát triển các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và đã phát triển trong vùng như: Sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng); điện thoại di động (Bắc Ninh; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc)...
Để đề án này đi vào cuộc sống, hằng năm thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chương trình cụ thể: Tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ do Chính phủ ban hành, đồng thời kiến nghị để có những chính sách đặc thù phù hợp để tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô.