Đưa Sóc Sơn trở thành một trong hai vành đai xanh sinh thái của Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 13:10, 10/10/2017
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn. |
Ngày 5-7-1977, Hội đồng Chính phủ có quyết định hợp nhất hai huyện Kim Anh và Đa Phúc của tỉnh Vĩnh Phúc và lấy tên dãy núi Sóc Sơn đặt tên cho huyện. Diện tích tự nhiên của huyện Sóc Sơn lúc đó là 415,1km2, dân số 13 vạn người, 2 vạn ha canh tác với 6 vạn lao động. Tháng 10-1977, Huyện ủy, HĐND, UBND lâm thời của huyện Sóc Sơn chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Ngày 1-4-1979, thực hiện chủ trương quy hoạch mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, Chính phủ đã có quyết định chuyển huyện Sóc Sơn về TP Hà Nội. Huyện Sóc Sơn có 25 xã với diện tích 306,5km2, dân số gần 11 vạn người. Tháng 3-1987, huyện thành lập thêm thị trấn Sóc Sơn, nâng tổng số đơn vị hành chính lên 26 xã, thị trấn như hiện nay, dân số của huyện hiện tại là hơn 335.000 người.
40 năm xây dựng và phát triển, trong đó có hơn 38 năm là huyện trực thuộc TP Hà Nội, Sóc Sơn đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Sóc Sơn là huyện đi đầu của thành phố trong phong trào dồn điền đổi thửa, với diện tích hơn 11.000ha, lớn nhất thành phố. Sau dồn điền đổi thửa, huyện tập trung xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, các mô hình sinh thái, chất lượng cao, được đăng ký thương hiệu sản phẩm. Hơn 6.000ha rừng và cây ăn quả đã được nhân dân huyện Sóc Sơn trồng theo các chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trong đó có hơn 4.500ha rừng phòng hộ môi trường, đưa Sóc Sơn trở thành lá phổi xanh, vùng sinh thái du lịch quan trọng của Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, Sóc Sơn là huyện có cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ gần 90%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp gần 70%, trong tương lai sẽ phát triển thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với tính chất là thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, nông nghiệp sinh thái, với nhiều dự án thu hút đầu tư có triển vọng.
Đặc biệt, 10 năm qua, huyện Sóc Sơn là đơn vị đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, qua đó, nhiều công trình trọng điểm của quốc gia và thành phố đã được triển khai xây dựng, bao gồm các công trình đường cao tốc, đường quốc lộ, mở rộng Sân bay quốc tế Nội Bài, phát triển các khu, cụm công nghiệp, các công trình của thành phố, nổi bật là hai lần xây dựng, mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải với quy mô 170ha, góp phần làm cho Thủ đô xanh, sạch, đẹp.
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đã huy động được sức mạnh của toàn dân, có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, từng bước vững chắc xây dựng thành công 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến cuối năm 2017 dự kiến sẽ nâng lên 18 xã. Bên cạnh phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng, văn hóa xã hội của huyện đã đạt nhiều kết quả cao, giáo dục, y tế phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm...
Chủ tịch UBND thành phố biểu dương Đảng bộ huyện Sóc Sơn đã luôn phát huy sự đoàn kết nhất trí, đẩy mạnh tinh thần đổi mới, làm tốt công tác phát triển Đảng, nghiêm túc trong khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố đã thay mặt lãnh đạo thành phố, ghi nhận và chúc mừng những kết quả nhân dân và cán bộ huyện Sóc Sơn đã đạt được trong 40 năm qua. Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn những thành quả đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Sóc Sơn tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Chia sẻ với những khó khăn của huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ luôn đồng hành cùng huyện để phát huy tiềm năng, lợi thế. Trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn cần phát huy và tiếp tục làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai; tập trung cùng thành phố và trung ương thực hiện tốt các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng, tạo sự kết nối với đô thị trung tâm Hà Nội, tập trung vào các quy hoạch lớn của khu đô thị vệ tinh, khu đô thị dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp, các khu vực mở rộng và phụ cận Sân bay quốc tế Nội Bài, các khu công nghiệp tập trung và khu du lịch sinh thái hồ Đồng Quan - đền Sóc, tạo tiền đề căn bản để phát triển đô thị Sóc Sơn theo đúng định hướng.
Đồng thời, huyện cần phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, chất lượng cao và bảo vệ, phát huy giá trị diện tích rừng, cây xanh hiện có, đưa Sóc Sơn thực sự là một trong hai vành đai xanh sinh thái của Thủ đô; quan tâm đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các gia đình chính sách, người có công, người nghèo; giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, Sóc Sơn tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sóc Sơn tiếp tục xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể các cấp của huyện…