Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống y tế Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 14:10, 15/02/2023
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, tổng số dự án thuộc lĩnh vực y tế tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 là 22 dự án, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; 7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư và 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Cụ thể, 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 triển khai nâng cấp, xây dựng và mở rộng 5 bệnh viện: Đa khoa huyện Thường Tín; Nhi Hà Nội giai đoạn I; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa huyện Ba Vì và Đa khoa Sơn Tây.
7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư, bao gồm: Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Trung tâm Pháp y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, đồng thời cải tạo và nâng cấp đầu tư hệ thống khí y tế và hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Còn lại 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, gồm: Xây dựng Bệnh viện Thận cơ sở 2; cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Bắc Thăng Long; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; xây mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội khu vực phía Bắc; Bệnh viện Mắt thành phố Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam và cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Nếu lấy con số tối thiểu là 30 giường bệnh/ vạn dân thì Hà Nội đang cần bổ sung 4.204 giường bệnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, với các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp và xây mới các bệnh viện nêu trên sẽ giúp tăng cơ số giường bệnh, giúp cho ngành Y tế Thủ đô thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, khi triển khai, thực hiện, các dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như giải phóng mặt bằng; việc triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế; làm sao khi di dời cơ sở khám chữa bệnh để nâng cấp mà vẫn bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh cho người dân; việc tổ chức bộ máy, nhân sự khi đưa vào vận hành…
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đưa ra tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, Sở Y tế thành phố, các bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình trọng điểm như: Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Bệnh viện Thận cơ sở 2…
Đồng chí Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh đến việc cần phải nâng tầm một số lĩnh vực là thế mạnh của các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội như: Tim mạch, thận… Từ đó, xây dựng những cơ sở này thành trung tâm khám, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp khó khăn, đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng cần gửi kiến nghị thẳng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Đơn vị này sẽ có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, gửi UBND thành phố để cùng đưa phương án tháo gỡ.