Ngành mây tre đan Hà Nội: Kết nối cung - cầu đón cơ hội xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 11/10/2017
Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại huyện Phú Xuyên. |
Thiếu nguồn nguyên liệu “đầu vào”
Hà Nội hiện có 365 làng nghề và làng có nghề mây tre đan, với gần 33.000 hộ gia đình, gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã làm nghề, thu hút hơn 100.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 35-40 triệu đồng/năm. Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, trung bình mỗi năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.700 tấn nguyên liệu các loại, trong đó trung bình một doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 40 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 15 tấn nguyên liệu/tháng.
Chia sẻ tại hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu “đầu vào” ngành mây tre đan giữa Hà Nội và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại tỉnh Nghệ An mới đây, các doanh nghiệp sản xuất mây tre đan Hà Nội cho biết, nguồn cung nguyên liệu những năm qua chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu, đã tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, không chỉ làm giảm doanh thu, thu nhập của người lao động, mà còn bị ảnh hưởng về uy tín trước các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương chia sẻ, so với năm 2016, giá nguyên liệu “đầu vào” của ngành mây tre đan đã tăng lên nhiều. Cụ thể, giá cây bượt tăng 15.000 đồng/kg, giá cây bèo tây cũng tăng 12.000 đồng/kg, do đó khi thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, việc đàm phán với khách hàng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, giá nguyên liệu tăng gấp nhiều lần là một trong những khó khăn, thách thức lớn của các địa phương đang sản xuất mây tre đan, trong đó có Hà Nội.
Cần giải pháp đồng bộ
Việt Nam có trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đã xuất khẩu đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch đạt trung bình trên 200 triệu USD/năm, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê của Trademap (hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước), thị phần mây tre đan Việt Nam trên thị trường thế giới mới đạt khoảng 3,37%. Trong đó, thị trường chủ đạo nhập khẩu sản phẩm mây tre đan của Việt Nam là Mỹ, chiếm tới 20%, Nhật Bản chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu.
Nói về tiềm năng phát triển của ngành mây tre đan Việt Nam, ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, cơ hội phát triển thị trường mới cho nhóm hàng mây tre đan của Việt Nam thời gian tới rất khả quan. Một số thị trường mới nổi như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Australia… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam, đặc biệt là Tây Ban Nha có giá trị nhập khẩu tăng bình quân 13,2%/năm, Trung Quốc tăng bình quân 40%/năm. Chỉ cần được thị phần từ 8 đến 10% của thị trường thế giới, thì ngành chế biến mây tre Việt Nam có thể đạt giá trị tới 1 tỷ USD trong tương lai.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề mây tre đan Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các tỉnh và các cấp liên quan về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến nguyên liệu đối với ngành mây tre đan. Đồng thời, đề xuất UBND thành phố có cơ chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu, thực tế để có thể hỗ trợ trực tiếp, tiêu thụ sản lượng nguyên liệu, sản phẩm bán thành phẩm nhằm khuyến khích các địa phương quan tâm phát triển, cung cấp nguyên liệu “đầu vào” cho ngành mây tre đan Hà Nội. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng mây tre đan của Hà Nội cũng có thể liên kết đầu tư xưởng sản xuất ngay tại các địa phương của 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tận dụng nguyên liệu, nhân công, giảm các chi phí và góp phần tạo nên chuỗi cung cầu hoàn thiện, hiệu quả.
Cùng với những chiến lược, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, phát triển thị trường, các làng nghề, doanh nghiệp mây tre đan cũng cần chủ động hơn trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm của mình.