Tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 11/10/2017

(HNM) - Là huyện có tiềm năng, nhưng những năm trước đây sản xuất nông nghiệp ở Gia Lâm vẫn còn nhiều khó khăn. Với những giải pháp tích cực, hiện nay huyện Gia Lâm đang tháo gỡ, tạo chuyển biến mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Nuôi giun quế, giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.


Chăn nuôi bò sữa đang giúp nông dân nhiều xã của huyện Gia Lâm vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, cộng với ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân còn hạn chế khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết, địa phương có 1.500 con bò sữa, mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân và chất thải. Tuy nhiên, chỉ một số hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý phân và chất thải, còn lại hầu hết xả xuống ao, hồ, ven đê, cống rãnh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước tại sông Cầu Bây, sông Giàng và Thiên Đức trên địa bàn huyện vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Do các dòng sông liên quan đến nhiều huyện của Hà Nội và các tỉnh lân cận nên nằm ngoài tầm kiểm soát của huyện Gia Lâm. Vì vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm này, rất cần sự hỗ trợ của thành phố” - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân nói.

Trước thực trạng trên, cùng với chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã vận động nhân dân tìm biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là trong chăn nuôi. Và bài toán khó này đã tìm ra lời giải, khi ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Ninh Hiệp) đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư nuôi giun quế ở xã Phù Đổng. Đến nay, cơ sở nuôi giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng đã giải quyết toàn bộ lượng chất thải trong chăn nuôi bò sữa của xã Phù Đổng và nhiều xã lân cận.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Mạnh Hùng, trong xây dựng nông thôn mới, Gia Lâm rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ở 20 xã, thị trấn, huyện tập trung xây dựng hoàn thiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”. Từ đây, nhiều cơ chế, chính sách ra đời đã hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh...

Bằng những nỗ lực trên, từ năm 2016 đến nay, huyện Gia Lâm đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được hơn 579ha cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng 20 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau xanh và cây ăn quả. Ngoài ra, huyện đã triển khai xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Nếp cái hoa vàng Dương Xá, chuối Kim Sơn, cam Kiêu Kỵ, Đa Tốn, rau cải xanh và măng tây Yên Viên..., qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị nông sản trên thị trường. Theo tính toán, thu nhập bình quân trên đơn vị canh tác ở huyện Gia Lâm đạt 250 triệu đồng/ha, cao hơn bình quân chung của thành phố (239 triệu đồng/ha).

Nguyễn Mai