Bài 2: Linh hoạt triển khai, bền bỉ thực hiện

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 12/10/2017

(HNM) - Để tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, 30/30 quận, huyện, thị xã, nhiều xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”...

Đám cưới tập thể theo nếp sống mới năm 2017 dành cho 36 cặp đôi tại Công viên Bách Thảo.
Ảnh: Vương Đức


Đúng trọng tâm, trọng điểm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, không ít cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở cơ sở phản ánh, quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là đời sống kinh tế ngày một khấm khá, lại thêm tâm lý cả đời người chỉ cưới một lần, phải tổ chức cho bằng bạn bè, kẻo bị cười chê; rồi vì các mối quan hệ, “trả nợ miệng”…

Nhằm thay đổi quan niệm, nhận thức này, các ngành, đơn vị, địa phương đã phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 11 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn.

Trong quá trình triển khai, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các nội dung của Chỉ thị 11 song song, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”… Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội yêu cầu 100% cơ sở hội quán triệt nội dung Chỉ thị 11 đến từng hội viên; khuyến khích các cơ sở hội đăng ký xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh”. Thông qua đó, chị em đã vận động hơn 32 nghìn đám cưới theo tinh thần Chỉ thị 11, trong đó gần 18 nghìn đám cưới là con của cán bộ, hội viên.

Tương tự, Thành đoàn Hà Nội mở nhiều chuyên mục, diễn đàn, hội thi, hội diễn… nhằm phân tích, làm rõ tính ưu việt của Chỉ thị 11; đồng thời, tổ chức 100% cơ sở Đoàn ký cam kết thực hiện. Trên cơ sở đó, nhiều cán bộ, đoàn viên tự nguyện tổ chức hôn lễ theo nếp sống văn minh. Nhiều đám cưới do Đoàn Thanh niên tổ chức bảo đảm tiết kiệm, trang trọng, lịch sự. Điển hình là đám cưới tập thể theo hình thức tiệc trà cho 10 cặp đôi tại địa điểm Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai) tháng 3 năm 2013; lễ cưới Hằng Thuận cho 20 cặp đôi tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Long Biên) diễn ra tháng 4 năm 2017…

“Có thể khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 11 đã góp phần làm rõ hơn những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của thanh niên Thủ đô” - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến nhận định.

Mưa dầm thấm lâu

Để tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, 30/30 quận, huyện, thị xã, nhiều xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh, với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các thành viên Ban vận động đến từng nhà, gặp từng người để động viên, hướng dẫn các gia đình tổ chức.

Do đó, những trường hợp gương mẫu hay cố tình vi phạm đều được nắm bắt kịp thời. Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hà Đông Trần Sơn Hải, thời gian đầu, không ít gia đình tỏ thái độ không hợp tác với thành viên Ban vận động ở cơ sở. Nếu những người “vác tù và hàng tổng” ấy thấy người dân chưa ủng hộ mà bỏ cuộc, thì Hà Đông không thể trở thành điểm sáng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh cho biết, huyện Mê Linh thực hiện Chỉ thị 11 gắn với cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”… Chỉ thị 11 liên tục được tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện tới cơ sở được củng cố và kiện toàn, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được ở từng đơn vị, địa phương. Nhờ đó, số đám cưới vi phạm quy ước văn hóa ở Mê Linh hầu như không còn.

Với cách làm tương tự, những đám cưới tổ chức ăn uống linh đình trong nhiều ngày ở huyện Thạch Thất chỉ còn là cá biệt. Tại các xã vốn tồn tại nhiều hủ tục trong việc cưới như: Đại Đồng, Bình Yên, Yên Bình…, người dân đã thấy rõ những lợi ích thiết thực của việc tổ chức hôn lễ theo nếp sống văn minh và tự nguyện ký cam kết thực hiện. Đại diện các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng ở huyện Thạch Thất trở thành “sứ giả" đưa Chỉ thị 11 vào đời sống. Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, huyện Thạch Thất có hơn 7 nghìn đám cưới (hơn 96% tổng số đám cưới) thực hiện nếp sống văn minh. Rất nhiều đám cưới ở các xã Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Hương Ngải, Lại Thượng, Chàng Sơn… chỉ tổ chức gọn nhẹ trong một ngày.

Đưa Chỉ thị 11 đến từng người dân, giúp họ thay đổi từ nhận thức tới hành động được tất cả các địa phương thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc mô hình tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm sẽ ngày càng đi sâu và lan tỏa trong cộng đồng.

(Còn nữa)

Minh Ngọc