Thanh tra chống thất thu thuế: Rà soát lĩnh vực rủi ro cao

Tài chính - Ngày đăng : 06:24, 12/10/2017

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm nay, qua thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, ngành chức năng đã truy thu hơn 11.597 tỷ đồng...

Giao dịch với người dân tại Chi cục Thuế quận Hà Đông (TP Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Truy thu hơn 11.597 tỷ đồng

Chín tháng năm 2017, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thuế đã đạt kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh việc đẩy mạnh chống thất thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế cũng tích cực triển khai ứng dụng kiểm tra hồ sơ kê khai thuế, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để nhận diện và tập trung thanh tra, kiểm tra những đối tượng có độ rủi ro cao. Ngành Thuế cũng tăng cường thanh tra các doanh nghiệp có số thu điều tiết ngân sách trung ương lớn, kiểm tra sau hoàn thuế cũng như chú trọng thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dấu hiệu chuyển giá. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường phối hợp với các ngành chức năng chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách.

Hà Nội siết chặt quản lý thuế với hộ kinh doanh

Tại Công văn số 4422/UBND-KT ngày 14-9-2017 của UBND TP Hà Nội về chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu cơ quan thuế Hà Nội tăng cường kiểm tra, tổ chức thực hiện công tác chống thất thu, chấn chỉnh công tác quản lý thuế đối với khu vực này. Thành phố cũng yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội tập trung kiểm tra các hộ kinh doanh có quy mô lớn nhưng chưa chuyển lên doanh nghiệp; hộ kinh doanh sử dụng nhiều hóa đơn; hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh kinh doanh ăn uống, dịch vụ, có từ hai địa điểm kinh doanh trở lên; hộ kinh doanh còn nợ thuế...

Kết quả cho thấy, trong 9 tháng qua, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 11.597 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi hơn 9.616 tỷ đồng, xử phạt hơn 1.980 tỷ đồng, số thuế đã nộp ngân sách nhà nước là hơn 6.553 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng, các đơn vị thuộc Cục Thuế TP Hà Nội đã kiểm tra 10.840 người nộp thuế, trong đó có 9.915 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 925 hộ kinh doanh. Qua kiểm tra đã tăng thu hơn 625,4 tỷ đồng. Với hộ kinh doanh, đã có 858/925 hộ có kết quả tăng doanh thu và ấn định mức thuế sau kiểm tra với số tiền tăng 275,6 triệu đồng/tháng. Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cơ quan thuế các cấp đã truy thu và phạt với tổng số tiền 624 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế đã ban hành Sổ tay nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Toàn ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng tin học thông qua việc xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng kiểm tra hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Đặc biệt, Tổng cục Thuế đang tập trung cập nhật dữ liệu người nộp thuế vào hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng tin học phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Bên cạnh đó là đôn đốc các cục thuế địa phương cập nhật dữ liệu vào hệ thống hỗ trợ thanh tra, kiểm tra, giúp cơ quan thuế theo dõi, giám sát và điều hành hoạt động chống thất thu ngân sách một cách chính xác, kịp thời.

Nhiều biện pháp chống thất thu thuế

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, trong 3 tháng cuối năm 2017, ngành Thuế còn nhiều việc phải làm nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài việc khẩn trương hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế địa phương chủ động rà soát, sắp xếp tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Nhấn mạnh các giải pháp chống thất thu thuế những tháng cuối năm nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, ngành Thuế sẽ tiếp tục rà soát việc đăng ký thuế trên toàn quốc để chuẩn hóa dữ liệu đăng ký thuế của người nộp thuế. Toàn ngành sẽ tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, nộp thuế. Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tăng cường chấn chỉnh việc quản lý thuế khoán, chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang nộp thuế khoán sang nộp thuế theo kê khai, hạch toán kế toán theo quy định, đặc biệt là với những đơn vị tại các thành phố, đô thị lớn. Đặc biệt, ngành Thuế sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Tài chính và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu, đôn đốc kịp thời các khoản thu vào ngân sách.

Hà Nội là một trong hai địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội thực hiện nghiêm Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ về chống chuyển giá, quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Bởi, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội khá lớn, nhưng đóng góp chưa tương xứng với mức độ đầu tư, chưa tương xứng với những ưu đãi mà Nhà nước đã dành cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu suất quản lý thuế của cơ quan thuế.

Liên quan đến việc tính thuế với Uber, Grab, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2017 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 11-10, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan chức năng đã có công văn gửi các cục thuế địa phương hướng dẫn việc áp dụng các chính sách thuế đối với Uber, Grab (loại hình kinh doanh vận tải mới, sử dụng công nghệ để kết nối với khách hàng). Nhìn chung, sẽ thực hiện bình đẳng việc tính thuế với Uber, Grab theo đúng pháp luật về thuế hiện hành và áp dụng thống nhất như với các loại hình doanh nghiệp taxi truyền thống.

Đức Anh