Giải pháp dài hạn cho giao thông
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 15/10/2017
Theo Thị trưởng Dunkerque Patrice Vergriete, giao thông công cộng không được ưa chuộng tại thị trấn này, khi chỉ chưa đầy 5% dân số sử dụng xe buýt. Các phương tiện “xanh” khác cũng không phổ biến và chỉ 1% dân số Dunkerque di chuyển bằng xe đạp. Thực tế, sau khi bị tàn phá tới 90% diện tích trong Thế chiến II, thị trấn Dunkerque được xây dựng và cải tạo lại với những con đường rộng rãi. Điều này khiến người dân không “mặn mà” với việc trả 1,4 euro cho một chiếc vé xe buýt trong khi họ có thể tự do sử dụng phương tiện cá nhân. Đây là lý do vì sao thị trấn cần một cú hích trong văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Quá trình áp dụng biện pháp này đã mang lại những tín hiệu khá tích cực. Nhiều người dân địa phương chia sẻ, họ bắt đầu chú ý loại hình giao thông công cộng và chuyển sang di chuyển bằng xe buýt vào cuối tuần. Ngoài việc được miễn phí vé, họ cũng không phải lo về bến bãi hay chi phí đậu xe như khi sử dụng ô tô cá nhân. Theo thống kê của chính quyền thị trấn Dunkerque, lượng khách đi xe buýt tại đây đã tăng 29% các ngày thứ bảy và 78% các ngày chủ nhật.
Liên quan việc duy trì chính sách mới này khi chính quyền thị trấn phải chấp nhận mất đi khoản thu từ các phương tiện giao thông công cộng, các nhà hoạch định chính sách đô thị cũng đưa ra lời giải đáp. Tiền thu từ việc bán vé chỉ có thể bù đắp chưa đầy 10% chi phí vận hành hệ thống giao thông công cộng. Các khoản còn lại tới từ nguồn thu thuế, phí bảo trì đường bộ và ngân sách công. Như vậy, đây là sự lựa chọn tương đối khả thi. Chính quyền Dunkerque đang tính toán tới việc chi thêm khoảng 65 triệu euro để nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Đây cũng là xu hướng chung tại Pháp và một số nước khác. Quốc gia Châu Âu này hiện sở hữu 30 trên tổng số hơn 100 mạng lưới giao thông công cộng miễn phí hoàn toàn trên thế giới. Từng được thử nghiệm những năm 1970, giải pháp này đã dần bị quên lãng cho tới khi xuất hiện trở lại vào đầu thế kỷ XXI và ngày càng được chú trọng. Một số đô thị nhận thấy đây là phương án hiệu quả để giảm thiểu áp lực giao thông tại các khu trung tâm đông đúc, có lợi cho môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là các nhóm có thu nhập thấp.