Sẽ xử lý mạnh tay!

Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 16/10/2017

(HNM) - Dù các cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, ngăn chặn, nhưng tình trạng

Cơ quan chức năng sẽ xử lý mạnh tay đối với nội dung phản cảm trên các trang mạng xã hội.
Ảnh: Quốc Vinh


- Ông có thể chia sẻ suy nghĩ về cơ chế kiểm soát, ngăn chặn việc quay, phát tán clip gây phản cảm trên mạng xã hội?

- Chúng ta có nhiều công cụ để điều chỉnh hành vi vi phạm khi tham gia mạng xã hội, trong đó có Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em... Nói cách khác, hệ thống luật pháp rất đầy đủ, hệ thống chế tài khá chặt chẽ, từ hình sự đến dân sự. Về hành chính, chúng ta có Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ, được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay và đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về tình trạng đưa clip phản cảm lên mạng xã hội, xâm phạm quyền của người khác, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, một số vụ việc nghiêm trọng đã được xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chúng ta có đủ cơ sở điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, xử lý hành vi tiêu cực. Việc xử lý hành vi vi phạm của người tham gia mạng xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức chung về trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia cung cấp, trao đổi thông tin trên môi trường mạng, trách nhiệm bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó là răn đe đối với người có ý định thực hiện hành vi vi phạm.

- Một số clip gây phản cảm do các em nhỏ tự quay và phát tán mà không ý thức được hệ lụy. Ông nhận xét như thế nào về điều này?

- Phải khẳng định rằng, việc quay, phát những hình ảnh vi phạm chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tuổi còn nhỏ nên các em chưa ý thức được hành vi của mình, chưa lường được hậu quả, trong khi những hình ảnh phản cảm đó có thể trở thành nỗi ám ảnh, tác động đến cuộc sống, học tập lâu dài của các em. Trách nhiệm của chúng ta là phải ngăn chặn điều đó.

Trong môi trường mạng, thông tin lan truyền rất nhanh, mức độ ảnh hưởng lớn, vì vậy, phải xử lý nhanh chóng đối với loại hành vi này. Trước hết, cần hướng dẫn để các em hiểu về quyền của mình, về các công cụ có thể sử dụng để tự bảo vệ, làm sao khi sự việc xảy ra các em biết chia sẻ, trên cơ sở đó người thân, bạn bè có thể hỗ trợ, tìm biện pháp xử lý như yêu cầu nhà trường can thiệp, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Nói vậy là bởi trong thực tế, một số người bị hại không cung cấp thông tin, khiến cơ quan chức năng không thể tiếp cận, xử lý người có hành vi vi phạm.

- Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, liệu cơ quan chức năng có thể kiểm soát, loại trừ hành vi lợi dụng mạng xã hội để xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người khác không, thưa ông?

- Hầu hết các quốc gia đều phải đối mặt với khó khăn khi quản lý thông tin trên mạng. Nhưng đây không phải là việc không thể thực hiện được. Cũng không thể cứ khó quản thì cấm.

Đừng nghĩ môi trường mạng là môi trường tự do, không ai kiểm soát được, cứ ẩn danh là có thể dễ dàng thực hiện hành vi sai phạm và lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tính chất hoạt động trong môi trường mạng khiến việc kiểm tra, giám sát gặp khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có công cụ để kiểm soát. Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xúc phạm cá nhân trên môi trường mạng đã được ngăn chặn và gỡ bỏ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhiều vụ việc đã được xem xét ở các mức độ khác nhau, từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự.

- Theo ông, cần phải làm gì để tác động hiệu quả tới việc điều chỉnh hành vi của người tham gia mạng xã hội?

- Thứ nhất, cần xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng mạng để những hành vi không phù hợp sẽ bị lên án, trở nên lạc lõng và mỗi thành viên tham gia mạng xã hội cũng là người giám sát, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, cho người quản trị mạng khi cần thiết. Thứ hai, những hành vi vi phạm cần được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Khi phát hiện hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi gây ảnh hưởng đến trẻ em, mỗi người cần kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Chúng ta có thể chuyển thông tin đến cơ quan công an ở nơi gần nhất hoặc đến cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực này: Ở cấp trung ương là Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; ở địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông.

Muốn lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội thì cần triển khai đồng bộ nhiều hoạt động. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174 theo hướng cụ thể, chi tiết hơn, tăng mức phạt để bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm, kết hợp tăng cường công tác truyền thông. Thực tế cho thấy, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức xã hội, sự hiểu biết về các quy định của pháp luật và sự phối hợp trong quá trình giáo dục, giám sát giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng đối với các em nhỏ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hoa