"Tốt gỗ" cần tốt cả "nước sơn"!

Kinh tế - Ngày đăng : 07:42, 16/10/2017

(HNM) - Mới đây, chuyên gia marketing nước ngoài đã thẳng thắn nhận xét tại một hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, rằng một trong những lý do khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế là mẫu mã bao bì sản phẩm quá đơn điệu hoặc chưa có tính thẩm mỹ, lòe loẹt.


Ngay cả những logo, biển hiệu quảng cáo cũng thiếu sáng tạo, chưa thực sự phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người dân bản địa. Nếu bao bì, nhãn mác hàng Việt xuất khẩu thiếu ấn tượng sẽ bị khách hàng ở thị trường nước ngoài nhanh chóng loại bỏ ra khỏi danh sách lựa chọn của họ. Điều đó thực sự là đáng tiếc bởi chất lượng hàng hóa của Việt Nam không hề thua kém khi xuất khẩu, thậm chí còn vượt trội.

Người Việt thường quan niệm "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Có lẽ, chính vì thế mà khi đem sản phẩm, hàng hóa ra với thế giới, các doanh nghiệp dường như tập trung nhiều hơn cho khâu chất lượng mà chưa thực sự chú ý đến phần mẫu mã. Mà đây lại đang là điểm yếu "cốt tử" của hàng Việt.

Nói ta lại nhớ đến người. Mới đây, trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, người viết đã rất ngạc nhiên khi thấy nhà hàng và biển hiệu quảng cáo sản phẩm của thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu McDonald's đặt tại cố đô Kyoto có màu sắc khác hẳn. Không rực rỡ như tất cả những biển hiệu McDonald's trên thế giới, biển hiệu ở đây được phối bằng gam màu trầm, rất ăn nhập với màu sắc tổng thể trầm mặc của Kyoto. Người dân bản địa bảo nếu không như vậy, McDonald's sẽ khó có thể bán được ở đây, như kiểu "nhập gia, tùy tục" vậy!

Một bao bì đẹp sẽ đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn trong khi một cái vỏ xấu sẽ khiến cho việc quảng bá hình ảnh vô giá trị. Điều đó cũng khiến các khách hàng đánh giá phía doanh nghiệp không đầu tư nghiêm túc cho chiến lược kinh doanh của mình. Ngoài ra, mẫu mã trên bao bì cũng phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, văn hóa của thị trường xuất khẩu. Không chỉ dừng ở "tốt gỗ" nữa, bây giờ muốn cạnh tranh được còn phải tốt cả "nước sơn".

Để bao bì hàng hóa Việt Nam có sự khác biệt và quảng bá thương hiệu Việt, quảng bá được hình ảnh quốc gia, mỗi sản phẩm khi tham gia thị trường toàn cầu không chỉ mang giá trị công năng và giá trị thẩm mỹ, mà còn phải kết hợp bản sắc văn hóa Việt để người tiêu dùng trong nước hay ngoài nước đều có thể phân biệt nét đặc trưng của hàng hóa Việt Nam. Điều này là rất khó, nhưng không thể không có những chiến lược xứng tầm nếu muốn "vươn ra biển lớn".

Kính Lúp