Thực trạng đáng báo động
Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 17/10/2017
Quyền lợi của 656.000 lao động bị ảnh hưởng
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, tính đến 31-8-2017, tổng số tiền nợ BHXH của toàn thành phố là hơn 3.202 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Trong đó, có hơn 34.000 doanh nghiệp nợ với số tiền 2.845 tỷ đồng (chiếm gần 89%), làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của hơn 656.000 lao động.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Quận Hoàng Mai có số nợ BHXH cao nhất thành phố với 232 tỷ đồng của 2.864 doanh nghiệp, trong đó riêng Công ty cổ phần Lilama Hà Nội nợ hơn 9,6 tỷ đồng, tiếp đó là Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 810 nợ hơn 9,3 tỷ đồng… Quận Hà Đông cũng có gần 2.500 doanh nghiệp nợ tổng số tiền 195 tỷ đồng, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn như, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển CNC Minh Quân (nợ hơn 10 tỷ đồng), Công ty cổ phần Sông Đà 6 (nợ hơn 5,4 tỷ đồng)… Nhiều doanh nghiệp ở quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, đáng chú ý trong đó có Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp số 7 (COMA7 - Thanh Trì) nợ hơn 13,3 tỷ đồng.
Do doanh nghiệp nợ BHXH, nhiều lao động phải chịu thiệt thòi, một số trường hợp nghỉ hưu nhưng chưa chốt sổ để hưởng chế độ hưu; việc thực hiện chính sách thai sản, tử tuất cho người lao động cũng bị chậm trễ. Điển hình như ở Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Hoàng Mai), dù người lao động đã nghỉ hưu nhưng vẫn không chốt được sổ để hưởng chế độ hưu trí; ở Công ty Liên doanh công trình Hữu Nghị (Thanh Xuân) có 4 trường hợp thai sản từ năm 2016 đến nay vẫn chưa được thanh toán các chế độ.
Xử lý nghiêm trường hợp cố tình chây ì
Theo lý giải của đại diện các doanh nghiệp, nguyên nhân nợ BHXH nhiều, phần lớn là do các công ty đảm nhận các công trình từ nguồn vốn ngân sách (công trình giao thông, cầu đường, tái định cư) chậm thanh toán, dẫn đến không có tiền trả lương, trả BHXH; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, sản xuất đình trệ, thiếu nguồn để trả lương và đóng BHXH cho công nhân. Tuy vậy, qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố còn có một lý do nữa: Nhiều doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, với mục đích sử dụng nguồn này làm vốn sản xuất, kinh doanh để không phải vay lãi ngân hàng. Đáng tiếc, tại thời điểm hiện tại, ngành chức năng chưa chỉ “đích danh” được có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc diện “cố tình”.
Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì tình trạng nợ BHXH đã trở nên báo động và cần phải có giải pháp khắc phục. Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng phòng Chính sách pháp luật của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, để giải quyết vấn đề trên, cần phải khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhưng hiện tại việc này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực ngày 1-1-2016), tổ chức Công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động phải có sự ủy quyền của người lao động. Nhưng trên thực tế, hầu hết người lao động không dám ủy quyền vì sợ mất việc làm. Chưa kể, hồ sơ khởi kiện có những quy định rất khó thực hiện như, yêu cầu phải có quyết định thành lập của công đoàn cơ sở (thực tế, có đơn vị đã làm mất quyết định) thì tòa án mới chấp nhận hồ sơ khởi kiện. Vì vậy, từ khi áp dụng Luật BHXH năm 2014 đến nay gần như chưa khởi kiện được doanh nghiệp nợ BHXH nào.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết, cùng với tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế đến người lao động và chủ doanh nghiệp, ngành sẽ phối hợp với các sở, ngành, nhất là Cục Thuế Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư để nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trên cơ sở này, ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì, trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, các cấp, ngành cần vào cuộc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thời gian tới, nếu doanh nghiệp tiếp tục cố tình nợ BHXH, HĐND thành phố sẽ xem xét về hồ sơ dự thầu các dự án của thành phố và có thể hủy kết quả, kể cả đơn vị đã trúng thầu. Đối với các đơn vị kinh doanh, sản xuất có lãi mà không trả nợ BHXH, cần xem xét, xử lý nghiêm. Ngoài những giải pháp trên thì việc sớm sửa đổi Luật BHXH hoặc ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án cũng hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.