Bí thư, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố đê điều
Kinh tế - Ngày đăng : 08:18, 17/10/2017
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 chủ trì. Cùng dự và chủ trì có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng BCĐ Chương trình 02; cùng các thành viên BCĐ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì Hội nghị. |
Về kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 02, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý III-2017, cơ cấu nông nghiệp tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ.
Cụ thể, trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 40,28% (giảm 0,86% so với cùng kỳ); chăn nuôi, thuỷ sản chiếm 56,71% (tăng 0,82%); dịch vụ chiếm 3,01% (tăng 0,04%). Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên một ha đất nông nghiệp đạt 239 triệu đồng, tăng hơn 6 triệu đồng so với cùng kỳ và tăng 4 triệu đồng so với kế hoạch đề ra.
Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như chuỗi rau an toàn HTX rau quả sạch Trúc Sơn, Chương Mỹ; chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi, chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ, chuỗi sản xuất và tiêu thụ hoa nhài Sóc Sơn...
Kết quả dồn điền, đổi thửa được trên 78,7 nghìn ha (đạt 103,2%), vượt trên 2.400 ha so với kế hoạch thành phố giao.
Cùng với việc Thanh Trì được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong tháng 9-2017, đến nay, thành phố đã có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn danh hiệu này, tăng một huyện so với năm trước. Hiện huyện Hoài Đức đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng cho biết, 255 xã được công nhận đạt chuẩn NTM đều quan tâm thực hiện các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hoá tinh thần, thực hiện "đường có hoa, nhà có số, phố có tên", cưới hỏi, tang lễ văn minh...
Ngân sách thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho xây dựng NTM, từ năm 2016 đến nay là 7.570.804 triệu đồng. Các địa phương cũng tích cực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp trong phong trào xây dựng NTM, được 1.492.912 triệu đồng.
Báo cáo cũng chỉ ra về những hạn chế, tồn tại trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, công tác dồn điền, đổi thửa... Đặc biệt, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn.
Trong 3 tháng cuối năm, BCĐ Chương trình đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung hoàn tất thủ tục trình Chính phủ công nhận huyện Hoài Đức đạt chuẩn NTM và hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND thành phố xem xét, trình BCĐ Trung ương công nhận và chấp thuận đối với 2 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM là Gia Lâm và Phúc Thọ.
Nhận định những kết quả đạt được trong 9 tháng qua là tích cực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu lưu ý các đơn vị, sở ngành tiếp tục phát huy những việc đã thực hiện tốt, chủ động phối hợp với thành phố trong việc đẩy mạnh mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tăng cường liên kết trong xuất khẩu hàng hoá...
Thời điểm cuối năm, các đơn vị cũng được giao nhiệm vụ tập trung thực hiện thủ tục đấu giá đất, giải ngân vốn cho các công trình xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư xây dựng NTM...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị. |
Không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trong triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU; đồng thời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây úng ngập, đặc biệt là huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Thành phố ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các địa phương khi chỉ đạo kịp thời việc phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiệt hại, có giải pháp khắc phục, sớm ổn định tình hình đời sống của nhân dân cũng như khôi phục sản xuất.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, để hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2017, Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của thành phố cũng như cấp uỷ, chính quyền, BCĐ huyện, thị xã, xã... tập trung triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình.
Về một số vấn đề cụ thể, Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TU yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chỉ đạo các địa phương, nhất là các xã thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức, triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và duy trì sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ lao động sản xuất; Sở Y tế phối hợp bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.
Đồng chí cũng đề nghị các huyện thường xuyên, chủ động tiến hành công tác thuỷ lợi, rà soát, tu bổ đê điều. Sở Tài chính thực hiện theo đúng Luật Ngân sách, có kinh phí dự phòng; chỉ đạo các huyện và tham mưu với UBND thành phố cấp kinh phí cho các huyện trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Các huyện uỷ, UBND huyện bảo đảm kinh phí thực hiện đúng quy định.
"Nếu để xảy ra sự cố về đê điều, bí thư, chủ tịch UBND các huyện phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố bởi đây là việc làm không thể một phút lơ là, chủ quan" - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Trong xây dựng NTM, Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TU đề nghị BCĐ các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn năm nay hoàn thiện hồ sơ để thành phố thẩm định, xem xét công nhận chuẩn NTM theo đúng quy định.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý: "Với tinh thần không chạy theo thành tích, các xã đạt chuẩn NTM phải thực chất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được sự hài lòng của đa số nhân dân trong xã".
Để nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chi nhánh Ngân hàng chính sách thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết, hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình quốc gia về y tế, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch, bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.