Thách thức trước yêu cầu đổi mới

Giáo dục - Ngày đăng : 05:52, 19/10/2017

(HNM) - Báo cáo kết quả một năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” nhận định:

Ngành Giáo dục Thủ đô đang tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh:Viết Thành


Bước chuyển mạnh về lượng và chất

Để giữ vững vị thế “đầu tàu” về giáo dục trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục Hà Nội luôn coi trọng yếu tố con người - đội ngũ nhà giáo, coi đây là yếu tố tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục. Hơn 10 năm qua, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Điều này thể hiện qua việc lãnh đạo thành phố ban hành Kế hoạch 79/KH-UB về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2005-2010 và ở giai đoạn 2011-2016 là Kế hoạch 111/KH-UB. Trong từng giai đoạn, mỗi kế hoạch được ban hành đều đã đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của nhiệm vụ giáo dục, là cơ sở pháp lý để ngành Giáo dục Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo nền tảng vững chắc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến nay, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã có bước chuyển mạnh về cả lượng và chất. Năm 2011, chất lượng đội ngũ giáo viên của Hà Nội chưa đồng đều giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành; còn tồn tại tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo, còn giáo viên xếp loại yếu và kém. 5 năm qua, với phương châm “chất lượng, thiết thực, hiệu quả”, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được triển khai đồng bộ và toàn diện.

Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các cấp học, ngành học đều đạt 100%. Tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn ở một số ngành học, cấp học cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước, trong đó cấp tiểu học đạt 93%, THCS đạt 80%... Tỷ lệ giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn cao không chỉ ở các trường khu vực nội thành, mà đã có ở nhiều huyện như Mê Linh, Đan Phượng, Mỹ Đức, Hoài Đức... Đội ngũ giáo viên đồng đều hơn về trình độ, góp phần giảm dần sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các địa bàn ở Thủ đô.

Không chỉ chuyển biến về chất, số lượng giáo viên cũng được bổ sung hằng năm. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, toàn ngành đã tuyển dụng thêm gần 35 nghìn giáo viên, cơ cấu giáo viên giữa các môn học đồng bộ hơn, việc dạy chéo môn cơ bản được giải quyết, tình trạng “xôi đỗ” về trình độ đào tạo được khắc phục dần.

Giai đoạn 2017-2022, ngành Giáo dục Hà Nội tập trung tham mưu cho thành phố tăng ngân sách đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trong đó riêng năm 2018 kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dự kiến khoảng 56 tỷ đồng (so với năm 2017 là 28 tỷ đồng); hoàn thiện quy chế tuyển dụng và nghiên cứu hướng luân chuyển giáo viên, bảo đảm sự đồng bộ về chất lượng của đội ngũ giữa các nhà trường; phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu trong toàn ngành.


Thách thức từ việc tự học

Để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ, cũng là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) cho rằng, một trong những thách thức lớn đối với giáo viên trước yêu cầu của việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới là việc chuyển sang dạy học tích hợp, phân hóa. Trong bối cảnh chưa có chương trình, sách giáo khoa, giáo viên làm thế nào để có thể “đi trước, đón đầu” phương pháp dạy học này?

Có thể hình dung, một môn học sẽ được nhìn từ nhiều góc cạnh, đòi hỏi giáo viên không chỉ cần có kiến thức toàn diện, mà còn phải có phương pháp, kỹ năng sư phạm tốt. Để đạt mục tiêu ấy, ngoài việc tham gia các khóa bồi dưỡng thường xuyên, mỗi giáo viên cũng cần có ý thức tự học để phát huy hiệu quả những nội dung đã được bồi dưỡng.

Việc thay đổi cách tiếp cận giảng dạy từ truyền thụ kiến thức đơn thuần sang việc hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ cũng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với giáo viên, đòi hỏi đội ngũ này không chỉ vững về chuyên môn, mà còn phải giỏi kỹ năng sư phạm, biết cách tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động của học sinh, rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Cách thức dạy học truyền thống đã tồn tại khá lâu, nên để thay đổi căn bản từ nhận thức đến hành vi của giáo viên về phương pháp dạy học cần một quá trình dài, thậm chí, là một nỗ lực lớn để chiến thắng sức ì của bản thân.

Với tinh thần này, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) đã phát động cuộc thi “Giáo viên sáng tạo”, nhằm khơi dậy niềm tin và ý thức hướng tới những đổi mới trong giáo dục mà trước hết là đem đến cho học trò những tiết học sôi nổi, hấp dẫn. Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường, muốn học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập thì trước hết giáo viên phải tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Còn cô giáo Lê Thị Phương, Trường THPT Phan Huy Chú cho rằng, việc mạnh dạn công nhận học trò, đồng nghiệp và thấy mình yếu kém, tự mình vượt qua những hạn chế, sai sót để hoàn thiện bản thân là điều cần thiết đối với mỗi giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn tới.

Thống Nhất