Nhà báo Nguyễn Xuân Hưng: Nhiệt huyết và giàu nhân ái
Văn hóa - Ngày đăng : 15:15, 19/10/2017
Người con miền đất Phật
Sinh năm 1942 ở miền đất Phật Chùa Hương (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), nhà báo Nguyễn Xuân Hưng là con độc nhất trong một gia đình cách mạng. Năm 1964, khi đang là Thanh niên xung phong dạy học và phát triển kinh tế ở miền núi Hòa Bình, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông vào bộ đội, chiến đấu khắp các chiến trường Lào. Trở về gia đình năm 1971, mang trong mình thương tật 2/4, ông bắt đầu dấn thân vào nghề mà ông yêu thích: Viết báo, viết truyện, làm thơ… mà nơi khởi nguồn là Báo Quân khu Ba.
Tìm về quê hương xã Đốc Tín thắp nén hương tưởng nhớ ông, nhóm phóng viên trẻ chúng tôi, được nghe lại những giai thoại về ông vui có, buồn có và đọng lại ở những câu chuyện đó là sự trân trọng, tiếc nhớ… Bên dòng sông Đáy hiền hòa, căn nhà của gia đình ông nằm yên tĩnh dưới lùm cây xanh mướt. Chúng tôi được nghe bà Đặng Thị Yên (vợ ông) kể về ông trong rưng rưng… Ông bà và 4 người con đã cùng chia ngọt sẻ bùi trong căn nhà được xây cất bằng sức lao động, sự chắt chiu, dành dụm từ thời đất nước gian khó, phần nào hiểu được sự vất vả của ông bà khi vừa kiến tạo cuộc sống, vừa nuôi các con (2 trai, 2 gái) học tập, trưởng thành...
“Các con cứ muốn đón tôi đến ở chung, nhưng tôi không nỡ rời xa ông ấy. Khi chăm sóc nhà cửa, làm vườn, chăm cây… tôi cứ nghĩ có ông cùng làm, chưa bao giờ hình dung ông ấy đã rời xa… Thương ông ấy cả cuộc đời sống tử tế với mọi người, nghĩa nặng tình sâu với vợ, với các con nhưng nghiêm khắc, giản dị đến khắc khổ và không nề hà bất cứ việc gì mỗi khi tranh thủ về nhà…
Rảnh tay, ông lại ngồi viết bài đến khuya cho kịp số báo sắp xuất bản. Lúc nào cũng thấy ông ấy tất bật, vội vã công việc cơ quan. Tuy xa (từ nhà đến nơi làm việc khoảng 50km), nhưng tuần nào ông ấy cũng tranh thủ về nhà. Vất vả lắm mà chỉ có chiếc xe đạp và sau này, tằn tiện sắm được chiếc xe máy mới đỡ chút. Hồi ấy, đường sá cũng gập ghềnh, khó đi, vậy mà, cứ thấy ông đi công tác ở vùng sâu, vùng xa Hòa Bình, Ba Vì… Tôi chỉ biết động viên ông hoàn thành việc nước, còn việc nhà cứ để tôi gánh vác!". Rủ rỉ, nghẹn ngào, bà Yên đã nói về ông với đầy tình thương và sự ngưỡng mộ…
Gai góc và trách nhiệm
Trong nghề báo, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Hưng đã để lại một “tài sản” lớn là hàng nghìn tác phẩm với các bút danh: Đức Tín, Nguyễn Hưng, Xuân Hưng… trên các trang báo: Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Quân khu Ba… Nhà báo Nguyễn Xuân Hưng chuyên viết về đề tài kinh tế và thường “chinh chiến” với các vấn đề gai góc, chủ yếu ở thể loại phóng sự, điều tra...
Đồng nghiệp cùng thời thường nhắc lại câu nói của ông: “Xem ra mình chẳng giống ai, thế mình mới là mình”. Ông thể hiện rõ phẩm chất của một nhà báo chiến sĩ, bộc trực, khảng khái, dù thời bình vẫn có “sắc thái rất riêng, rất Nguyễn Xuân Hưng”. Bút danh Đức Tín, được ông sử dụng nhiều nhất (ghép tên xã và huyện quê ông - xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), có người hỏi: “Yêu quê hương là vậy mà sao ông nhà báo này hay “choảng” cho quê những bài nhớ đời?”.
Hàng chục năm đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Kinh tế, hơn 9 năm làm Phó Tổng Biên tập và gần 1 năm làm Tổng Biên tập, không ít lần, ông dẫn phóng viên đi điều tra các vụ tiêu cực ngay ở xã nhà (Đốc Tín) cùng các xã: Hồng Sơn, Lê Thanh… (huyện Mỹ Đức). Với ông, câu chuyện làm báo chống tiêu cực “không có vùng cấm, không có nơi ẩn nấp an toàn”...
Có một kỷ niệm khá sâu sắc về Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Hưng mà nhiều đồng nghiệp không thể quên, đó là dịp xuất bản số báo Xuân Nhâm Ngọ 2002 có một lỗi ở trang 1: Chữ “Chúc mừng năm mới” chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, họa sĩ lại sửa nhầm 2 chữ “n-m”? Anh em trong Tòa soạn “xanh mặt” vì sợ. Tổng Biên tập cau mày, buồn buồn rồi nói: “Báo in ra rồi, lỗi tại Tổng Biên tập, anh em vô can”. Nhận trách nhiệm về mình, với ông, bản lĩnh người cầm bút và tinh thần trách nhiệm là phẩm chất nổi trội của một nhà báo. “Sinh ra, mấy ai đã là nhân tài, phải yêu nghề và chịu khó mới mong thành tài” - Nhà báo Nguyễn Xuân Hưng thường nói với những người làm báo trẻ như vậy…
Với nữ nhà báo Bùi Bằng Giang (nguyên Trưởng ban Báo Hà Tây Cuối tuần, nguyên Trưởng Ban Hànộimới Cuối tuần) từng là đồng nghiệp, cấp dưới và là hàng xóm ở khu tập thể cơ quan thì nhà báo Nguyễn Xuân Hưng là điển hình của một cây bút nhiệt huyết, xông xáo, nhanh nhạy, chỉ cần nghe thông tin về một vấn đề nào đó “gai”, “cộm” là ông lập tức đến ngay để tìm hiểu, viết bài. Phong cách của ông đã thành nét riêng khó trộn lẫn. Nhiều tác phẩm của ông góp phần vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực thời bấy giờ, nhiều lần được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây tặng Bằng khen…
Năm 1992, Nhà báo Nguyễn Xuân Hưng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tây và được Tổng Biên tập - nhà báo Đắc Hữu ủy quyền phụ trách tài chính cơ quan trong nhiều năm liền. Những năm 1993-1995, được giao làm Trưởng ban quản lý công trình nhà làm việc cơ quan Báo, ông đã cùng lãnh đạo cơ quan tích cực đề nghị với tỉnh đầu tư đất đai, kinh phí, xây dựng được nhà làm việc 4 tầng khang trang (nay là trụ sở 2 của Báo Hànộimới). Có nhiều tác phẩm "để đời", đồng thời là lãnh đạo cơ quan báo nhưng bản thân nhà báo Nguyễn Xuân Hưng sống rất giản dị đến kham khổ.
Có một câu chuyện vui, là hồi giữ chức Phó Tổng Biên tập, được giao phụ trách một công trình lớn của tỉnh, có chủ thầu mang bọc tiền đến biếu và xin thầu và ông đã mời ra khỏi nhà. Thấy ông đi chiếc xe đạp khung dựng, họ vờ mượn chiếc xe, mang ra cầu Trắng (Hà Đông) vứt xuống sông Nhuệ rồi về báo mất và đền ông một chiếc xe máy mới tinh, song lại một lần nữa ông kiên quyết từ chối. Hôm sau, nhà thầu kia đành phải mang đến trả ông một chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới, ông đành nhận...
Tháng 6-2001, ông được bổ nhiệm Quyền Tổng Biên tập đến tháng 12 năm đó thì chính thức giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Hà Tây. Tháng 6-2002, ông nghỉ hưu theo chế độ. Trong từng bước đổi mới và phát triển của Báo Hà Tây đều có sự đóng góp rất đáng trân trọng của nhà báo Nguyễn Xuân Hưng.
Ông là người ham đọc, ham viết, nghỉ hưu ông có nhiều thời gian cho việc viết truyện, làm thơ… Những cuốn: “Tìm về một nửa”, “Vị đời”, “Đắng ngọt vị đời”, “Hoa đỗ quyên”, “Bức thông điệp của chú người sói”… đều được bạn đọc yêu mến. Trong thời gian nằm viện, ông vẫn cố hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Đi tìm người Tây Tiến” (do NXB Quân đội nhân dân phát hành)…
Là thế hệ hậu sinh, khi viết những dòng này, trong tôi là những tình cảm, sự trân trọng, biết ơn... Thời kỳ ông là Tổng Biên tập, tôi đã vô tình mắc lỗi nghiệp vụ nghiêm trọng trong số báo Xuân 2002. Khi đó, tôi vô cùng lo lắng chờ trận mắng "lôi đình" của ông và rất buồn. Nhưng, thật cảm động, không chỉ nhận trách nhiệm với cấp trên mà với sự bao dung, nhân hậu của người lãnh đạo cơ quan, ông còn động viên tôi coi đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc, giúp tôi vững tin trong công việc sau này…
Khí chất cương trực cùng cung cách “nặng tình” của ông đã khiến đồng nghiệp và cấp dưới yêu kính, nể phục. Và hôm nay, khi nhắc tới ông, nghĩ về ông - nhà báo Nguyễn Xuân Hưng, trong chúng tôi, dường như ai cũng trân trọng một nhà báo yêu nghề, nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái…