Nhà báo Hồ Xuân Sơn - Tổng Biên tập thời kỳ đổi mới
Văn hóa - Ngày đăng : 15:28, 19/10/2017
Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn (bên trái) khai mạc triển lãm ảnh báo chí “Hà Nội và đất nước trên đường đổi mới”. |
Trong “làng” báo chí cách mạng Việt Nam, Hồ Xuân Sơn là một gương mặt nổi bật. Ông vừa là phóng viên chiến tranh dũng cảm, là nhà báo xông xáo trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, giỏi viết nhiều thể loại, vừa là người quản lý tài ba, một Tổng Biên tập giàu năng lực sáng tạo, tinh tế trong đánh giá các sự kiện và nhạy cảm trong xử lý thông tin.
Không nhiều nhà báo chuyên nghiệp có những cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp phong phú như Hồ Xuân Sơn.
Trước khi trở thành nhà báo, Hồ Xuân Sơn đã có 5 năm là công nhân nhà máy dệt. Thời gian làm việc ở Báo Tiền phong (1964-1975), ông làm biên tập trang văn nghệ, rồi làm phóng viên thường trú tại Nam Định, làm Tổ trưởng Tổ phóng viên mặt trận, đi theo Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại Dinh Độc Lập vào tối 30-4-1975. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Ban Đại diện Báo Tiền phong ở TP Hồ Chí Minh và từng có thời gian làm Trợ lý cho Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kiêm Phó Văn phòng TƯ Đoàn, Ủy viên BCH TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IV. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa V; Ủy viên BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XI; và sau khi về hưu làm Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, đồng thời tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ nhà báo trẻ.
Hồ Xuân Sơn là người được đào tạo bài bản. Ông tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp, đã học 2 năm ở Học viện Nguyễn Ái Quốc, có bằng Phó tiến sĩ (sau này là Tiến sĩ) triết học Trường Đảng cao cấp AON tại Liên Xô cũ.
Trong công việc, Hồ Xuân Sơn là người luôn tìm tòi, phát hiện, giới thiệu cái mới, nhân tố mới. Ông là một trong những người đầu tiên giới thiệu “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa với công chúng. Ông cũng là người phát hiện, viết bài về người thanh niên Vương Đình Cung, con trai duy nhất của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, một “Paven Corsaghin” của thanh niên miền Bắc giàu hoài bão, lý tưởng chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành niềm tự hào của thanh niên đương thời.
Tháng 4-1988, từ Trung ương Đoàn, Hồ Xuân Sơn được điều về làm Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới, rồi nửa năm sau (10-1988) trở thành Tổng Biên tập tờ báo Đảng Thủ đô cho đến tháng 10-1998.
Hồ Xuân Sơn về Báo Hànộimới khi làn gió Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đang bắt đầu lan tỏa trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Từ nền kinh tế tập trung bao cấp còn nghèo nàn, lạc hậu chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước, trên thế giới chưa có tiền lệ, báo chí cách mạng cũng chưa hề có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Hồ Xuân Sơn đã cùng Đảng ủy, Ban Biên tập và đội ngũ phóng viên giàu năng lực, có uy tín bắt tay thực hiện chiến lược đổi mới tờ báo nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người đọc, đồng thời phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho cán bộ, phóng viên, nhân viên. Đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, Hànộimới ra thêm ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật sau này là Hànộimới Cuối tuần, Hà Nội Ngày nay. Bên cạnh chuyên mục “đặc sản” “Mỗi ngày một chuyện”, Hànộimới ra đời nhiều chuyên mục hấp dẫn như “Qua các thôn xóm”, “Muôn mặt đời thường”, “Đất lề quê thói”, “Hà Nội tạp văn”, “Câu đố cuộc đời”, “Mất nghỉ chủ nhật”, “Thị trường không cần nước mắt”, “Diễn đàn xây dựng Thủ đô”, “Người Hà Nội ta”, “Thưởng thức nghệ thuật”…, mở thêm văn phòng đại diện phía Nam… từ đó số lượng phát hành của báo tăng đáng kể. Nhờ uy tín của tờ báo và những chính sách kinh tế mới, số lượng quảng cáo trên các ấn phẩm của Hànộimới ngày càng nhiều. Thu nhập của cán bộ, phóng viên, nhân viên tăng mạnh, đứng vào top đầu làng báo cả nước.
Với dáng người mảnh khảnh, trắng trẻo, mái tóc xoăn xoăn tự nhiên, Hồ Xuân Sơn có phong thái của người trí thức Hà thành, luôn khiêm nhường, lịch thiệp. Ông tôn trọng cá tính của đồng nghiệp để phát huy sở trường của họ. Ông thường gọi đồng nghiệp bằng đại từ nhân xưng “anh”, “chị” và xưng “tôi”, không sa vào thái độ thân mật xuồng xã, kiểu tác phong gia đình. Những người làm việc trực tiếp với ông đều cảm nhận được thái độ, yêu cầu cao một cách nghiêm túc từ ông, để tự mình làm việc chỉn chu hơn.
Dưới thời Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, Báo Hànộimới có một đội ngũ phóng viên giàu kinh nghiệm, có uy tín nghề nghiệp cao, như: Vương Thức, Nguyễn Triều, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Vương Tâm, Huy Giang, Cẩm Bình, họa sĩ Lê Văn Hiệp, biên tập viên Quang Tôn, Trưởng Phòng Quảng cáo Bùi Quốc Hội... Ông đã nhận nhiều phóng viên trẻ tài năng về làm việc như: Cù Xuân Trường, Đoàn Anh Tuấn, bổ sung cho đội ngũ phóng viên và lực lượng lãnh đạo kế cận của tờ báo về sau.
Là người lãnh đạo cao nhất của tờ báo, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng về những bài báo mà ông đã duyệt cho đăng. Cuối năm 1996, đầu năm 1997, nhà báo Nguyễn Triều, Trưởng ban Hànộimới Chủ nhật viết loạt bài điều tra phản ánh những tiêu cực ở Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bị doanh nghiệp này phản ứng gay gắt, kiện Báo Hànộimới và tác giả ra tòa. Hồ Xuân Sơn đã sát cánh cùng phóng viên tập hợp hồ sơ, sẵn sàng “hầu tòa”, cuối cùng đã chứng minh chân lý thuộc về các nhà báo chân chính. Vụ thắng kiện hy hữu này được coi như một kinh nghiệm quý báu cho những nhà báo viết về đề tài chống tiêu cực, rất cần thiết cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng, Chính phủ khởi xướng hiện nay.
Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn còn là người rất đam mê môn bóng bàn, đã đặt nền móng, tạo điều kiện phát triển phong trào bóng bàn của Báo Hànộimới, trở thành trung tâm bóng bàn rất uy tín ở Thủ đô.
Nhà báo Hồ Xuân Sơn đã rời cương vị Tổng Biên tập Báo Hànộimới gần 20 năm, rời “cõi tạm” hơn một năm, nhưng những gì ông để lại cho các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới, nhất là kinh nghiệm đổi mới hoạt động báo chí mãi là những di sản quý báu, đáng trân trọng.