Lúng túng xử lý xe “dù”, bến “cóc”

Giao thông - Ngày đăng : 06:13, 20/10/2017

(HNM) - Nạn xe “dù”, bến “cóc” tại TP Hồ Chí Minh đang khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động nghiêm túc lo lắng bởi lượng khách ngày càng giảm.

Ghi nhận tại các tuyến đường cửa ngõ TP Hồ Chí Minh như quốc lộ 13, 1A, xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt…, nhiều xe ô tô chở khách chạy tuyến miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, sau khi ra khỏi nội đô đã tranh thủ “vớt” khách dọc đường. Tại khu vực Bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga, trước Khu du lịch Suối Tiên cũng xuất hiện không ít phương tiện có dấu hiệu xe “dù” hoạt động.


Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng năm 2017, đã phát hiện và xử lý 2.672 vụ vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách, phạt tiền gần 3,7 tỷ đồng với các lỗi dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; đón, trả khách nơi cấm dừng, cấm đỗ; không đúng địa điểm đón khách ghi trong hợp đồng…

Theo Đội Thanh tra giao thông số 5, dù lực lượng Thanh tra thường xuyên làm nhiệm vụ trên các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố nhưng vẫn không thể xử lý triệt để tình trạng xe khách đỗ, đón và trả khách dọc đường. Còn theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay, xe “dù”, bến “cóc” có những biến tướng hoạt động rất tinh vi. Trước đây, những xe không đủ tiêu chuẩn vào bến phải chạy bắt khách dọc đường mới gọi là xe “dù”, còn bây giờ xuất hiện đủ loại xe như: Open tour, xe VIP, Limousine... chạy núp bóng xe hợp đồng. Trước tình trạng này, ông Hoàng Duy Kha, Chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách liên tỉnh và du lịch Đông Bắc hoạt động tại Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) cho rằng, xe “dù”, bến “cóc” chiếm một thị phần không nhỏ lượng khách của các đơn vị vận tải làm ăn chân chính tại các bến xe. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, thậm chí không ít doanh nghiệp đứng truớc nguy cơ thua lỗ.

Theo ông Lê Trung Tính, các quy định của luật pháp hiện nay đủ sức chống nạn xe “dù”, bến “cóc”. Muốn dẹp bỏ cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt của ba bên, gồm: Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố và UBND các quận, huyện. Ngoài ra, chính quyền TP Hồ Chí Minh nên thành lập Ban chuyên trách về xe “dù”, bến “cóc” để có thể giám sát và quản lý chặt chẽ, đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên, không để biến tướng như thời gian qua.

Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, thành phố có 81 điểm hoạt động đón trả khách, gồm: 63 điểm đón trả khách trên đường trước trụ sở (trong đó, 27 điểm bảo đảm an toàn giao thông và 36 điểm không bảo đảm an toàn giao thông); 18 điểm đón trả khách trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh (trong đó có 1 điểm không bảo đảm an toàn giao thông). Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có quá ít quỹ đất dành cho giao thông, trong khi có tới 46% tuyến đường chiều rộng dưới 7m nên Sở đang rà soát quy hoạch bến bãi, tổ chức lại giao thông hợp lý hơn; đồng thời tham mưu cho UBND thành phố góp ý dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc” hiệu quả hơn.

Hà Phạm