Tối ưu hóa mạng lưới vận tải công cộng

Giao thông - Ngày đăng : 06:29, 20/10/2017

(HNM) - Những chiếc thẻ vé điện tử đầu tiên dự kiến sẽ được thí điểm triển khai trên tuyến buýt nhanh (BRT) 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) ngay trong quý IV-2017, tiến tới nhân rộng trên toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô trong năm 2018.


Liên thông và đi trước một bước

Hiện, hành khách đi lại trên 92 tuyến buýt thường và tuyến BRT 01 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vẫn sử dụng vé giấy. Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2018; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chạy thử vào đầu năm 2021. Trong tương lai, lần lượt là các tuyến buýt nhanh, tuyến đường sắt đô thị khác sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác, từng bước hoàn thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đồng bộ, hiện đại của Thủ đô.

Việc sử dụng thẻ vé điện tử đối với mạng lưới vận tải công cộng sẽ tạo tiện lợi cho hành khách. Ảnh: Anh Tuấn


Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt trên cao với những công nghệ thẻ vé của nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… Cùng với đó là hàng loạt tuyến BRT khác, nếu mỗi tuyến phát hành một loại thẻ vé riêng sẽ rất bất tiện và không tối ưu hóa được hiệu quả của vận tải hành khách công cộng. Do vậy, vé điện tử liên thông là cần thiết và phải đi trước một bước. Ngay cả xe buýt thường cũng cần phải tiến tới sử dụng thẻ vé điện tử để vừa minh bạch, tránh thất thoát và đỡ được bộ máy cồng kềnh.

Trước thực tế đó, UBND TP Hà Nội đã giao cho các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, thống nhất một loại thẻ vé. Đại diện Tổng công ty Transerco cho biết, sau thời gian tích cực chuẩn bị, đến thời điểm này phương án triển khai hệ thống thẻ vé xe buýt điện tử trên mạng lưới xe buýt đã được Sở GT-VT Hà Nội thẩm định và đang trình UBND TP Hà Nội chấp thuận cho thí điểm triển khai trên tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hiện chủ trương thí điểm thẻ vé điện tử trên tuyến BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) tiến tới triển khai trên toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đã được Ban Cán sự đảng thành phố báo cáo với Thường trực Thành ủy và giao cho liên doanh gồm Tổng công ty Transerco, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Thẻ vé MK nghiên cứu; dự kiến sẽ tiến hành lắp đặt kỹ thuật, thí điểm ngay trong quý IV-2017. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm sẽ tiếp tục nhân rộng trên toàn mạng lưới buýt trong năm 2018.

Xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan

Thẻ vé điện tử là một loại hình dịch vụ tiên tiến, hành khách sẽ nhận được sự thuận tiện khi không phải quản lý tiền mặt, chỉ cần nạp tiền vào tài khoản được cung cấp, qua xác nhận tại hệ thống đầu đọc là có thể di chuyển dễ dàng, xuyên suốt trên các loại phương tiện công cộng, gồm xe buýt thường, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị mà không phải mua nhiều loại vé. Toàn bộ dữ liệu về hành khách, số lượng vận chuyển của các loại hình vận tải hành khách công cộng sẽ được truyền về trung tâm quản lý, sau đó được phân tích và phân bổ trở lại các doanh nghiệp khai thác.

Như vậy, trung tâm quản lý thẻ vé cũng sẽ nắm được nhu cầu, lưu lượng vận hành của từng tuyến xe buýt, tuyến tàu điện để phân bổ, tạo kết nối sao cho hợp lý nhất. Nếu áp dụng thành công, loại hình này sẽ giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quản lý doanh thu chính xác để làm hạch toán tài chính, quản lý tốt nhu cầu và quy luật đi lại của người dân qua chuỗi thông tin báo về hệ thống để dễ dàng điều chỉnh kế hoạch phục vụ hành khách. Bên cạnh vé điện tử liên thông, loại hình vé giấy như hiện tại vẫn sẽ được bán trên xe dành cho những người không có nhu cầu làm thẻ điện tử, hoặc hành khách ngoại tỉnh. Khi được "giải phóng" khỏi nhiệm vụ chủ yếu là bán vé, các nhân viên xe buýt sẽ có điều kiện vừa kiểm soát trật tự an ninh trên xe, bảo đảm không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, vừa hướng dẫn vị trí chỗ ngồi tại các khoang hành khách, hướng tới sự chuyên nghiệp, an toàn nhất có thể.

Đánh giá cao chủ trương thẻ vé điện tử của TP Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, đây là giải pháp cần thiết góp phần thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, nâng cao tính tiện lợi như giảm thời gian mua vé, soát vé, thời gian lên xuống xe, đơn giản trong việc gia hạn vé, nâng cao an toàn cá nhân cho người dân. Bên cạnh đó sẽ giảm chi phí, nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng phục vụ cho doanh nghiệp; tạo sự chính xác, minh bạch trong quản lý doanh thu.

Tuy nhiên, để hệ thống vé điện tử hoạt động hiệu quả cần có tiêu chuẩn về thẻ vé, các quy định, hướng dẫn liên quan tới khai thác vận hành, hệ thống sản xuất và phân phối vé, các trang thiết bị phục vụ kiểm tra giám sát sử dụng vé, hệ thống dịch vụ khách hàng xử lý các tình huống phát sinh, bảo đảm tính bảo mật thông tin cá nhân. Để có thể vận hành ổn định trong toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng, các cơ quan chức năng liên quan nên tổ chức thí điểm khoảng 6-12 tháng để đánh giá được những khiếm khuyết trước khi áp dụng đại trà.

Tuấn Lương