Tránh "bẫy" kinh doanh đa cấp: Cách nào hiệu quả?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 20/10/2017

(HNM) - Với những người có ý định tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp thì việc tránh

Một trong những doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi giấy phép.


Dễ vào, khó ra

Bà Nguyễn Thị Lan, một cán bộ về hưu cho biết, do tin vào những lời hứa hoa mỹ của nhân viên một công ty bán hàng đa cấp, bà cùng chồng dốc khoản tài sản không nhỏ tích cóp bao năm để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này. Sau khi tham gia, nhận thấy nhiều dấu hiệu bất ổn, bà đã làm đơn xin trả lại hàng, rút khỏi mạng lưới. Tuy nhiên, khi làm việc, đại diện doanh nghiệp đưa ra hàng loạt lý do để trừ khoản tiền mà bà Lan đặt cọc mua hàng, lấy mã mạng lưới. Nếu chấp nhận, bà Lan chỉ còn nhận được 40% của hơn 2 tỷ đồng đã đầu tư, nên bà đã gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mắc "bẫy" bán hàng đa cấp thời gian qua. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh truyền miệng, được quảng cáo rầm rộ với lợi nhuận gấp hàng chục lần nên nhiều người hám lợi. Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không chủ động tìm hiểu các quy định nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức bán hàng này để trục lợi, lừa đảo.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan chức năng đã chủ động thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân trên phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quy định về bán hàng đa cấp. Từ năm 2016 đến tháng 9-2017, đã có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, 14 doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động, 2 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động. Cũng trong thời gian này, Sở đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Y tế, Cục Thuế, Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm 38 doanh nghiệp, 5 cơ sở kinh doanh và 1 người bán hàng đa cấp, với số tiền phạt hơn 3,3 tỷ đồng; chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền đối với 12 doanh nghiệp và đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khác theo kế hoạch.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn 31 đơn vị đang hoạt động, giảm 8,8% so với cuối năm 2016, giảm 45,6% so với tổng số doanh nghiệp đã thông báo hoạt động. Số người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm từ 90.070 người (năm 2016) xuống còn 68.289 người. Đặc biệt, người tham gia đã nhận thức đầy đủ hơn về các quy định của pháp luật.


Một nhân viên bán hàng đa cấp (giữa) giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.


Chủ động tìm hiểu để không bị mắc "bẫy"

Mặc dù số lượng doanh nghiệp và người tham gia bán hàng giảm, song theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Hải, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn rất phức tạp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm quy định pháp luật với những hình thức tinh vi hơn. Do đó, để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào "bẫy" bán hàng đa cấp, trước hết, người tham gia cần nhận thức rõ các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo của doanh nghiệp, như: Mời chào đầu tư, nộp tiền và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì; bán hàng đa cấp nhưng không có hàng; khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy…

Thực chất, đây là những chiêu lừa đảo của doanh nghiệp không có hàng, muốn chiếm đoạt tài sản của người mua. Ngoài ra, còn có tình trạng thổi phồng công dụng sản phẩm; tư vấn mua số lượng hàng hóa vượt khả năng tiêu thụ để được lên cấp, nhận hoa hồng, tiền thưởng… là những chiêu thức cần hết sức cảnh giác. Đáng chú ý, gần đây nổi lên hiện tượng các tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính vào dự án bất động sản, kinh doanh tiền ảo (Dascoin, Bitcoin, Onecoin, AOC…).

Để giúp hiểu rõ hơn về hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội đã phát hành 9.000 cuốn “Sổ tay nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp”, trong đó nêu rõ các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp; các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào hoạt động bán hàng bất chính… Sổ tay này được phát hành đến các địa phương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội... để giúp người dân, sinh viên nhận thức đầy đủ hơn về pháp luật đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm, tập huấn cho người bán hàng… Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo, nếu phát hiện các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo, đề nghị cung cấp thông tin cho chính quyền sở tại, Sở Công Thương Hà Nội (theo số điện thoại 04.62691251), Công an thành phố, Chi cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) để xác minh, điều tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời hậu quả xấu xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, vấn đề cốt lõi là nhận thức của người tham gia bán hàng đa cấp. Nếu là người bán hàng thực sự, khi có chuyện xảy ra, pháp luật và cộng đồng sẽ bảo vệ; nếu tham gia các thỏa thuận khác ngoài bán hàng đa cấp thì xử lý theo Bộ luật Dân sự, hoặc theo Bộ luật Hình sự. Chỉ khi nào họ hiểu rằng phải tự chịu trách nhiệm với chính những hành vi của mình thì khi đó mới có sự chuyển biến về nhận thức và bán hàng đa cấp bất chính không có đất để phát triển.

Thanh Hiền