Cần tuân thủ quy định về hợp đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 20/10/2017

(HNM) - Sau hơn 1 năm kể từ khi UBND TP Hà Nội có quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của các hộ kinh doanh ở chợ Phủ Lỗ, những vướng mắc ở chợ này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại buổi đối thoại với tiểu thương kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ ngày 19-10, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho rằng, việc ký kết hợp đồng thuê hay mua ki ốt đều là hợp đồng kinh tế. Nếu người dân vẫn chưa đồng thuận thì có quyền đưa vụ việc đến tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật...

Quyền sử dụng, không phải sở hữu

Cách đây đúng 1 năm, Báo Hànộimới cũng có bài “Nhập nhằng việc thuê ki ốt kinh doanh”. Cụ thể là chợ Phủ Lỗ là một trong 3 chợ lớn của huyện Sóc Sơn được đầu tư xây dựng và hoàn thành cuối năm 1994. Năm 2015, thực hiện Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 14-1-2015 của UBND TP Hà Nội về mức thu phí tại chợ Phủ Lỗ, cũng là thời điểm hết hạn 20 năm thuê ki ốt tại chợ nên UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 116/UBND-TCKH ngày 27-1-2015, yêu cầu Ban Quản lý chợ tổ chức ký lại hợp đồng với các hộ thuê ki ốt đã hết thời hạn sử dụng và thu phí chợ. Tuy nhiên, khi triển khai ký lại hợp đồng, nhiều tiểu thương phản đối cho rằng, họ đã "mua đứt" các ki ốt này từ khi đấu giá chợ (tháng 11-1994).

Để làm sáng tỏ sự việc, từ năm 2015, UBND huyện Sóc Sơn đã giao cho Thanh tra huyện xem xét lại toàn bộ quy trình đấu thầu, bàn giao ki ốt. Kết quả thanh tra cho thấy, việc tổ chức đấu thầu cho thuê dài hạn các sạp hàng, ki ốt tại chợ Phủ Lỗ... đều xác định thời gian cho thuê đối với sạp hàng là 10 năm, ki ốt là 20 năm chứ không phải "mua đứt” như người dân nêu. Trên cơ sở đó, UBND huyện Sóc Sơn đã có Quyết định số 7529/QĐ-UBND ngày 17-11-2015 kết luận: Khiếu nại của các hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ về quyền sở hữu không có thời hạn đối với các ki ốt là không có cơ sở...

Trong khi các chủ ki ốt chưa đồng tình với kết luận của UBND huyện Sóc Sơn thì thời gian gần đây, 194 chủ sạp hàng tại chợ Phủ Lỗ cũng phản ứng và không ký lại hợp đồng thuê sạp khi đã hết hạn hợp đồng với lý do "đã mua vĩnh viễn các sạp hàng từ năm 1994". Từ tháng 6-2017 đến nay, các hộ không đóng phí chợ (45.000 đồng/m2/tháng) với lý do không đồng tình với việc sáp nhập Ban Quản lý chợ Phủ Lỗ với Ban Quản lý chợ Nỷ và Ban Quản lý chợ Sóc Sơn để thành lập Ban Quản lý chợ hạng II của huyện (theo chỉ đạo của thành phố).

Theo ông Ngô Văn Giang, Trưởng ban Quản lý chợ hạng II Sóc Sơn, do các hộ không đóng phí theo quy định nên vừa qua Ban Quản lý chợ đã cắt điện, nước. Do vậy, các tiểu thương kinh doanh ở sạp hàng đã tập trung đông người, kéo lên huyện gây áp lực.

Đã thanh tra và trả lời rõ ràng

Theo Trưởng phòng Thanh tra 3 (Thanh tra TP Hà Nội) Nguyễn Thị Nguyệt: Sau khi được UBND thành phố giao, Thanh tra thành phố đã xem xét toàn bộ hồ sơ và các văn bản có liên quan; làm rõ quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo của huyện Sóc Sơn và đồng tình với kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo của UBND huyện. Ngày 9-5-2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2212/QĐ-UBND nêu rõ: Đồng ý với Quyết định 7529/QĐ-UBND của UBND huyện Sóc Sơn về giải quyết khiếu nại liên quan đến việc ký lại hợp đồng thuê ki ốt... UBND thành phố cũng giao UBND huyện Sóc Sơn phối hợp các sở, ngành liên quan ban hành quy định, ký hợp đồng cho thuê ki ốt đối với các hộ kinh doanh.

Vậy nhưng, một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ vẫn tiếp tục có đơn kiến nghị. Vì vậy, ngày 21-11-2016, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 6671/UBND-KT trả lời, khẳng định: Đến nay, vụ việc không có tình tiết mới. Do đó, UBND thành phố giữ nguyên nội dung Quyết định số 2212 ngày 9-5-2016 của Chủ tịch UBND thành phố và yêu cầu đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ nghiêm túc chấp hành.

Mặc dù vậy, từ tháng 6-2016 đến nay, mới có 6/68 ki ốt của 3 cơ quan là: Kho bạc, hiệu thuốc, bưu điện và 2 hộ kinh doanh chấp hành nộp phí dịch vụ sử dụng chỗ ngồi; các hộ còn lại chưa ký hợp đồng sử dụng ki ốt. Đây cũng là căn nguyên khiến các sạp hàng "dựa" theo ki ốt để cản trở việc thực hiện ký lại hợp đồng thuê sạp.

Thực tế, cho đến nay những kiến nghị của tiểu thương chợ Phủ Lỗ đã được UBND huyện Sóc Sơn và UBND thành phố xem xét, giải quyết, trả lời cụ thể. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn không chấp hành và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, các tiểu thương ở chợ Phủ Lỗ cần tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố theo quy định của pháp luật.

Sáng 19-10, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức đối thoại, trả lời kiến nghị của tiểu thương chợ Phủ Lỗ. Tuy nhiên, qua đối thoại, tiểu thương vẫn chưa đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP Hà Nội và tiếp tục cho rằng, "các sạp hàng và ki ốt chợ Phủ Lỗ đã bán vĩnh viễn cho các hộ". Trao đổi tại buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương nhận định: Thực tế, việc ký kết hợp đồng thuê hay mua ki ốt đều là hợp đồng kinh tế. Nếu người dân vẫn chưa đồng thuận với kết quả trả lời khiếu nại của huyện Sóc Sơn và UBND TP Hà Nội thì có quyền đưa vụ việc đến cơ quan tòa án để được thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Minh Phú