Cần giải pháp tổng thể

Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 21/10/2017

(HNM) - Báo cáo kết quả một năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về


Luyện tập bóng chuyền hơi tại Nhà văn hóa xã Việt Hùng (huyện Đông Anh).



Những "điểm đến" hấp dẫn

Thực tế cho thấy, với cách làm sáng tạo nên không ít nhà văn hóa tại cơ sở đã trở thành địa chỉ thu hút người dân đến tập luyện thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa. Điển hình là nhà văn hóa tổ dân cư số 9-10 thuộc phường Bưởi (quận Tây Hồ) được xây dựng trên khoảnh đất rộng chưa tới 40m2, không có sân nhưng ngày nào cũng thu hút khoảng 30 - 50 lượt người đến tập luyện bóng bàn. Với việc luôn “sáng đèn”, nơi đây trở thành điểm sáng về khai thác tốt thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân ở quận Tây Hồ.

Ở phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm), nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên nhiều nhà văn hóa còn tổ chức thêm các hình thức tập luyện thể dục, thể thao cho nhân dân với mức giá phải chăng. Nhà văn hóa tổ dân phố Đình có diện tích khoảng 200m2, trong đó, tầng 2 được cho thuê làm phòng tập thể hình. Kinh phí thu được dùng cho hoạt động chăm sóc trẻ em. Sân nhà văn hóa là nơi tập luyện bóng chuyền của nhân dân với khoảng 30 - 40 lượt người tham gia/ngày. Tương tự, nhà văn hóa tổ dân phố Đông Sa dành một phần diện tích cho Câu lạc bộ Yoga thuê; diện tích còn lại và sân nhà văn hóa đủ để đáp ứng nhu cầu chơi bóng chuyền, tập dưỡng sinh của người dân.

Nhà văn hóa thôn Gà (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) cũng được khai thác, phát huy tối đa công năng. Theo ông Nguyễn Kim Cúc, Trưởng thôn Gà, hơn 10 năm trước, người dân phải chơi thể thao ngoài đường, ảnh hưởng đến giao thông. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, hai sân bóng chuyền luôn kín người vào mỗi buổi chiều trong khi nhiều người khác chọn đi bộ, tập dưỡng sinh trong khuôn viên nhà văn hóa.

Ở Đông Anh còn có một điểm sáng khác, đó là nhà văn hóa thôn Thượng (xã Uy Nỗ) rộng hơn 2.000m2 - quy mô lớn nhất huyện. Ông Nguyễn Xuân Soạn, Phó Trưởng thôn cho biết, mỗi ngày có gần 200 lượt người tập bóng chuyền, bóng đá, dưỡng sinh, đi bộ tại khuôn viên nhà văn hóa. Sân bãi rộng rãi nên nhiều hôm đến 23h vẫn có người tập luyện.

Kể ra để thấy, nếu biết cách khai thác tốt thì hoàn toàn có thể phát huy tối đa công năng của nhà văn hóa. Theo báo cáo đánh giá thực trạng nêu tại dự thảo Đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở” do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội xây dựng để trình UBND thành phố, đến cuối năm 2016, Hà Nội có 2.152/2.528 thôn, làng và 1.727/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Qua thực tế hoạt động cho thấy, việc xây dựng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đã giúp phát triển hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động, sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, luyện tập sức khỏe của nhân dân.

Con người là yếu tố quan trọng

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người khẳng định, chỉ cần đầu tư thật tốt cho nhà văn hóa thôn, tổ dân phố là đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu tập luyện, bởi đó là thiết chế văn hóa “gần” dân nhất, thuận tiện cho việc tập luyện của nhân dân. Khi đó, trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, phường sẽ tập trung cho những mảng việc lớn hơn, như tổ chức giải đấu hoặc tổ chức tập luyện những môn mà nhà văn hóa thôn không thể đáp ứng.

Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa thôn, tổ dân phố là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Dự thảo Đề án "Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở" nhấn mạnh đến việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cũng như đội ngũ quản lý, tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, yếu tố con người vẫn cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu đội ngũ quản lý năng động, sáng tạo thì tại các nhà văn hóa, người dân không chỉ có cơ hội tập luyện bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền, cầu lông, đi bộ, mà còn có thể tiếp cận với nhiều môn thể thao phù hợp với diện tích thực tế của đa số nhà văn hóa, như võ thuật, thể dục aerobic, bóng rổ... Ngoài ra, nếu chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, nhà văn hóa sẽ được trang bị hệ thống thiết bị thể thao ngoài trời thông qua hình thức xã hội hóa hoặc do người dân đóng góp.

Theo ông Nguyễn Phúc Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), chỉ khi được đầu tư thiết bị tập luyện cũng như mở rộng hình thức tập luyện thì các nhà văn hóa mới phát huy hết công năng. Tuy nhiên, để khai thác hệ thống thiết bị đã có, đội ngũ được giao nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa cần được nâng cao năng lực tổ chức hoạt động để thu hút đông đảo người dân tham gia. Hiện tại, ở nhiều nơi, nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa thôn, tổ dân phố do trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm. Họ có ít kinh nghiệm về quản lý, khai thác công năng nhà văn hóa dù có thừa nhiệt tình, trách nhiệm và uy tín. Vì vậy, đây là điều cần được thay đổi.

Bản thân phường, xã có thể tự nghiên cứu và đề ra giải pháp phát huy tác dụng của nhà văn hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, về cơ bản, một số vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy tác dụng của thiết chế văn hóa cơ sở thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là sớm có một giải pháp tổng thể cấp thành phố, trong đó có việc hoàn chỉnh, thông qua dự thảo Đề án "Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở". Đây sẽ là cơ sở pháp lý để tạo ra sự phong phú, hiệu quả hơn cho các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố vốn đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân.

Minh Quang