Châu Âu mạnh tay với nạn trốn thuế

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:03, 22/10/2017

(HNM) - Để tham gia vào nỗ lực chống trốn thuế của cộng đồng quốc tế, Thụy Sĩ vừa cho biết sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin về hoạt động của các công ty đa quốc gia trên lãnh thổ của mình với các nước khác vào năm 2020.


Quyết định này là một phần của cuộc chiến chống lại các công ty trốn thuế toàn cầu, các công ty chuyển lợi nhuận sang những quốc gia có mức thuế thấp hơn để giảm các khoản thanh toán thuế. Các biện pháp mới sẽ buộc khoảng 200 công ty lớn ở các nước có mức thuế thấp phải chuẩn bị các báo cáo tại mỗi quốc gia mà những công ty này tạo ra thu nhập, cũng như nộp thuế.

Ngân hàng Credit Suisse ở TP Zurich, Thụy Sĩ


Nhờ có một số mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất ở Châu Âu nên Thụy Sĩ đã thu hút hàng trăm công ty đa quốc gia. Thế nhưng, lâu nay các ngân hàng ở Thụy Sĩ từ chối giao dữ liệu khách hàng cho các cơ quan chức năng. Một số tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ còn không có tên mà chỉ sử dụng số nhận dạng.

Trước đó, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng đã đồng ý bắt đầu chia sẻ thông tin về thuế từ năm 2018. Để tăng cường hiệu quả và quản lý một cách thống nhất hơn trên phạm vi toàn khối, EU đang soạn thảo một chính sách thu hồi thuế mới, nhằm "chấn chỉnh" nạn trốn thuế của các doanh nghiệp lớn.

Lục địa già đã mạnh tay siết chặt các hành vi gian lận, trốn thuế sau khi vụ rò rỉ Hồ sơ Panama được phơi bày vào năm 2016. Anh cùng với Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia đã đưa ra một số quy định mới về minh bạch thuế để đối phó với vấn nạn này. Theo đó, thông tin về chủ nhân thực sự của các công ty “vỏ bọc”, hay còn gọi là các công ty “lá chắn” và các quỹ tín thác hải ngoại, sẽ được chia sẻ một cách tự động. EU ước tính, hằng năm khu vực này thất thu khoảng 80 tỷ USD bởi các hành vi trốn thuế.

Hồi tháng 8-2016, Ủy ban Châu Âu (EC) đã thông qua việc yêu cầu Ireland truy thu 13 tỷ euro tiền thuế từ Apple. EC cho rằng, Apple đã lách luật để không phải đóng nhiều tỷ euro tiền thuế tại Ireland và Ireland có phần ưu ái khi ban hành các thỏa thuận không công bằng, nhằm giảm bớt thuế suất thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, Google là một trong nhiều công ty đa quốc gia bị “chĩa mũi dùi” nhiều nhất ở Châu Âu về cáo buộc nộp thuế cực thấp bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong một mạng lưới dàn xếp tài chính phức tạp.

Con số điều tra cho thấy Google trả tiền thuế ít nhất, 2,4% trên lợi nhuận ghi nhận ở nước ngoài, so với mức thuế suất thuế thu nhập chính thức 35% ở Mỹ và mức 21% ở Anh - thị trường lớn thứ hai của Google. Để đạt được điều này, Google đã sử dụng kẽ hở trong luật pháp như ở Ireland, chuyển vào rồi lại rút ra một cách liên tục lợi nhuận thu được giữa các công ty con của mình tại quốc gia này, qua đó thoát được mức áp thuế 12,5%.

Không riêng gì Google, ông Martin Sullivan, cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, ngay từ một thập kỷ trước đây, các công ty Mỹ đã nhanh chóng thay đổi cách thức báo cáo lợi nhuận ra nước ngoài từ nơi họ thu lợi nhuận như Anh, Canada, Pháp, Đức, đến những nơi mà họ có rất ít hoặc không có hoạt động kinh doanh thực tế như Ireland, Bermuda, quần đảo Cayman và Singapore với mức thuế thấp hơn nhiều.

Các động thái mới nhất của EU được cho là sẽ chấm dứt vĩnh viễn tình trạng các tập đoàn và doanh nghiệp nhắm vào các "lỗ hổng" trong hệ thống thuế của Châu Âu để giảm bớt số tiền thuế phải đóng.

Kim Phượng