Mang đến tiện ích và sự hài lòng
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 16/02/2023
Những dấu ấn đậm nét
Cải cách thủ tục hành chính cần bắt đầu từ nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại với hệ thống dữ liệu liên quan được số hóa, liên thông. Thế nên, ngành Bảo hiểm xã hội đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Dấu ấn đặc biệt trên lộ trình cải cách hành chính của ngành là đã phê duyệt, kích hoạt sử dụng gần 30 triệu ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số, giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch điện tử về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm bớt nhiều thủ tục phải giao dịch trực tiếp như trước đây.
Đáng chú ý, đến thời điểm này, hệ thống điện tử đã xác thực hơn 70 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là “kho” thông tin để các cơ quan chức năng đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Ngành Bảo hiểm xã hội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử hoặc bằng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay…
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, nhờ nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và không gian số ngày càng mở rộng, những năm gần đây, ngành Bảo hiểm xã hội cắt, giảm được nhiều thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính của ngành đã giảm từ 114 thủ tục vào năm 2015, xuống còn 25 thủ tục vào cuối năm 2022 và 100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4. Người dân có thể tương tác với cơ quan Bảo hiểm xã hội 24/7 qua nhiều kênh khác nhau. Chỉ số “mức độ hài lòng” về giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội đạt hơn 80%.
“Thực hiện các giao dịch điện tử giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại, dễ dàng theo dõi việc đóng, hưởng các chính sách, hạn chế tối đa những sai sót không đáng có”, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên Phùng Thị Luyến đánh giá.
Nâng cao mức độ hài lòng
Năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính (trừ trường hợp đặc biệt); 100% số hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan. Chỉ số “mức độ hài lòng” về giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội đạt tối thiểu 85%...
Để hoàn thành những mục tiêu nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương tiến hành cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, thống nhất ở nhiều lĩnh vực (thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số).
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, việc giảm thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử là căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và cũng là tiêu chí đánh giá phong trào thi đua của ngành. Với những thủ tục, quy trình mới được áp dụng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng sẽ quan tâm hướng dẫn người dân cách thức thực hiện sao cho hiệu quả.
Được hướng dẫn tận tình để làm thủ tục “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chỉ sau ít phút, anh Nguyễn Tuấn Sơn (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) đã nhận được kết quả.
Từ trải nghiệm của bản thân, anh Sơn chia sẻ: “Trước đây, tôi phải đến nhiều cơ quan, mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục này, nhưng hiện nay chỉ cần đến bộ phận “một cửa” của phường là có thể giải quyết cùng lúc 3 thủ tục thiết yếu”.
Cũng ở thành phố Hà Nội, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế, giúp người dân được hưởng những dịch vụ tiện ích trong quá trình khám, chữa bệnh. Đó cũng là giải pháp để các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ…
Cách làm của Hà Nội cũng đã và đang được nhiều tỉnh, thành phố triển khai. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung là mang đến sự tiện ích, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tạo nền tảng để các chính sách lan tỏa vào đời sống.