Bác Hồ với Báo ta

Chính trị - Ngày đăng : 17:59, 23/10/2017

(HNM) - Cả hai lần sáp nhập, Ban Tuyên huấn Trung ương đều báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian làm việc với Ban Biên tập báo Thủ đô.

Cả hai lần sáp nhập, Ban Tuyên huấn Trung ương đều báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian làm việc với Ban Biên tập báo Thủ đô.



Lần thứ nhất (năm 1961), Bác Hồ cầm tờ báo Hà Nội hằng ngày gấp lại che đi hai từ “hàng ngày” rồi Bác áp tờ Thủ đô vào và nói: “Tên của tờ báo đây: Thủ đô Hà Nội”. Tất cả mọi người có mặt đều tươi cười tán thưởng ý kiến của Bác. Thế là từ hôm sau nhân dân Hà Nội được đọc tờ Thủ đô với cái tên mới Thủ đô Hà nội.

Tương tự, năm 1968 báo Thủ đô Hà nội tiếp tục sáp nhập với báo Thời mới. Bác Hồ cầm hai tờ Thủ đô Hà nội và Thời mới lên gấp lại, một bên che đi hai từ “Thủ đô”, bên kia che từ “Thời”, còn lại là “Hànộimới”. Như vậy cả hai lần sáp nhập Bác Hồ đều đặt tên cho Báo ta, cái tên Hànộimới đã có 49 năm rồi và chắc chắn sẽ còn mãi mãi. Trước vinh dự và trách nhiệm, những người làm Báo Hànộimới các thế hệ: Thủ đô, Thủ đô Hà nội, Hànộimới đã luôn làm tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với sự quan tâm rất đặc biệt của Bác Hồ.

Là lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mặt trận tuyên truyền trong đó có báo chí. Nhớ lại hồi năm 1961, Báo ta có bài viết phê bình một trường đại học cho sinh viên ăn uống thức ăn ôi thiu nên nhiều người bị đi ngoài. Bài báo vừa đăng đã bị lãnh đạo nhà trường phản ứng quyết liệt, nói là bị bôi nhọ, viết sai sự thật, yêu cầu phải đính chính, xin lỗi. Tổng Biên tập Đinh Nho Khôi cho gọi người viết lên yêu cầu tường trình lại quá trình lấy tài liệu... Ban chủ quản và cả Ban Biên tập đau đầu. Thành ủy yêu cầu báo phải báo cáo rõ sự việc để có hướng xử lý. Trong lúc tình hình đang căng như dây đàn thì có điện của Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu Báo ta cử phóng viên đi công tác. Bác Hồ cùng đoàn cán bộ, trong đó có phóng viên Báo ta, đến thăm trường đại học có chuyện sinh viên ngộ độc. Đến nơi Bác không vào phòng giám hiệu ngay mà đi thẳng xuống nhà ăn tập thể và cả nhà vệ sinh…, sau đó mới trở lại nói chuyện với cán bộ giảng viên, sinh viên. Ngay câu mở đầu Người nói: “Các cô các chú quan tâm đến nhiệm vụ dạy và học là đúng, song còn phải quan tâm đến việc tổ chức tốt đến cuộc sống cho sinh viên; nhà bếp, nơi chế biến thức ăn còn bẩn thỉu, ruồi muỗi nhiều, nhà vệ sinh thì rất mất vệ sinh, thế này thì sinh viên bị ngộ độc đi ngoài hàng loạt như báo chí nêu là đúng. Các cô chú lãnh đạo nhà trường phải sửa chữa ngay khuyết điểm này”.

Ngay ngày hôm sau, Ban Giám hiệu nhà trường rút “đơn kiện” và Báo ta không phải giải trình với lãnh đạo thành phố nữa.

Hằng ngày, Bác Hồ đều dành thời gian viết báo và đọc báo. Bác viết bài thường xuyên cho báo Nhân Dân với bút danh C.B. Những bài báo của Bác có tính chỉ đạo, định hướng, lan tỏa rất nhanh chóng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nhiều bài đăng trên Báo ta có bút tích của Bác phê: “Chú Hưng (bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch thành phố) kiểm tra nếu đúng là người tốt việc tốt thì cho Bác biết để thưởng huy hiệu”. Với những bài báo viết phê bình, Bác yêu cầu chính quyền thành phố cho xác minh, xử lý kịp thời.

Trong những lần tiếp xúc, gặp gỡ báo chí, Bác luôn căn dặn làm báo là làm chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, phải trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; người cầm bút trước khi viết phải tự hỏi: Viết để làm gì, viết cho ai đọc…

Kỷ niệm 60 năm ngày Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên, hình ảnh vô cùng kính yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc dành sự quan tâm đặc biệt - hai lần đặt tên cho Báo ta, mãi mãi khơi nguồn cảm hứng, tiếp thêm nghị lực cho cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới các thế hệ vững bước tiến lên vượt mọi khó khăn, thách thức, làm tròn nhiệm vụ chính trị là cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của chính quyền, nhân dân Thủ đô.

Công Hoàn