Thận trọng khi vi bằng bị “thổi phồng”

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 26/10/2017

(HNM) - Dịch vụ lập vi bằng - tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết) được thừa phát lại thực hiện là chứng cứ khi có khiếu nại, tranh chấp đang hút khách hơn cả.

Vi bằng được xem là thế mạnh của thừa phát lại. Hiện nay, có thể nói, không có hệ thống cơ quan nào ngoài thừa phát lại giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu, chưa kể việc xác lập chứng cứ sẽ được thực hiện với thủ tục giản đơn và không hạn chế thời gian. Bộ Tư pháp nhận định, sự đa dạng về nội dung, gia tăng các sự kiện và hành vi được lập vi bằng cho thấy, nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tạo lập chứng cứ thông qua hình thức vi bằng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình là rất lớn.

Trường hợp chị D.T.T ở phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) là một ví dụ. Mấy tháng trước, chị có mua một ngôi nhà. Nghi ngờ thái độ của chủ nhà nên chị quyết định chưa làm thủ tục công chứng vội mà mời văn phòng thừa phát lại lập vi bằng, ghi nhận việc giao nhận tiền giữa hai bên. Đúng như chị lo lắng, chủ nhà bất ngờ phá hợp đồng, đòi kiện chị là dùng “xã hội đen” ép họ bán nhà. “Đến khi tôi đưa vi bằng đã lập với những bằng chứng xác thực về giao dịch mua bán thì họ chịu cứng” - chị D.T.T cho biết.

Theo ông Bùi Trọng Hào, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các quan hệ dân sự kinh tế phát triển đa dạng, phức tạp dẫn đến nhiều tranh chấp và vi phạm pháp luật do xung đột về lợi ích.

“Có rất nhiều việc mà người dân có thể sử dụng dịch vụ lập vi bằng của thừa phát lại. Chẳng hạn nếu nhà cửa, công trình xây dựng bị nứt, lún do người khác thi công công trình xây dựng liền kề gây ra, thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận hiện trạng thiệt hại để làm cơ sở cho việc yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường. Hay, một người có quyền lợi trong việc thừa kế tài sản của người quá cố để lại và không muốn khối tài sản thừa kế thất thoát hoặc phát sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền thừa kế hợp pháp của mình và những người liên quan thì vi bằng kiểm kê hoặc ghi nhận hiện trạng tài sản của thừa phát lại sẽ đáp ứng yêu cầu của họ” - ông Bùi Trọng Hào dẫn chứng.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, giá trị của vi bằng đang bị “thổi phồng”, tiếp thị đến méo mó. Trong vai cặp vợ chồng trẻ đi tìm mua nhà đất giá rẻ, phóng viên Báo Hànộimới đã đến một số địa phương như: Sóc Sơn, Đông Anh, được “cò đất" giới thiệu rất nhiều nhà đất giấy tờ pháp lý không bảo đảm hoặc đất không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa với lời trấn an: Hiện nay, Nhà nước đã cấp sổ cho người mua nhà bằng giấy viết tay đến năm 2008 rồi. Anh chị cứ mua đi, sau đó cùng chủ đất mời văn phòng thừa phát lại thực hiện lập vi bằng - dịch vụ đã được Bộ Tư pháp cho phép để ghi nhận lại (giao dịch mua bán này không đủ điều kiện công chứng, giao dịch…) là được bảo đảm mọi quyền lợi.

Theo luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn Luật sư Hà Nội, những trường hợp mua bán thông qua văn phòng thừa phát lại làm chứng với việc lập vi bằng thật ra cũng là hình thức mua bán bằng giấy viết tay. Những vi bằng được lập không đưa ra nhận định đúng, sai mà chỉ ghi nhận lại trung thực, khách quan sự kiện, hành vi xảy ra do thừa phát lại chứng kiến, không có giá trị như một hợp đồng mua bán. Do đó, khi có tranh chấp ra tòa thì văn bản này không thể thay thế hợp đồng mua bán có công chứng.

Hơn nữa, về nguyên tắc, thừa phát lại không có quyền lập vi bằng đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng. Do đó người dân không nên "lách luật" mua bán nhà dưới dạng vi bằng vì sẽ chịu rất nhiều rủi ro, có thể thua trắng...

Hà Phong - Minh Phú