Tháo “nút thắt” để người nước ngoài mua nhà

Bất động sản - Ngày đăng : 07:25, 26/10/2017

(HNM) - Từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tăng gấp 6 lần so với 7 năm trước đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này vẫn chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tế, do chính sách vẫn còn những

Một góc làng việt kiều Châu Âu (Khu đô thị Mộ Lao, quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt


Người nước ngoài mua nhà tăng gấp 6 lần

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được ban hành từ năm 2008. Tuy nhiên, gần 7 năm sau đó mới chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng đối tượng, điều kiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, quy định trong Luật Nhà ở năm 2014.

Sau hơn 2 năm Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành, đến nay theo báo cáo từ các địa phương đã có hơn 750 trường hợp người nước ngoài mua nhà và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, tăng gấp gần 6 lần so với 7 năm thực thi chính sách cũ.

"Nhiều quy định đã thực sự cởi mở, thông thoáng, phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tối đa 50 năm, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm 1 lần. Trường hợp nhà ở gắn với quyền sử dụng đất, người nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với thời hạn sở hữu nhà ở. Cùng với đó, nhiều “vướng mắc” trước đây cũng dần được làm rõ, như quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại các tòa nhà, các dự án nhà ở để bảo đảm không quá chặt mà vẫn phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế" - ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.

Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận kinh doanh nhà ở Savills TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, từ năm 2015, những sửa đổi trong Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được nhìn nhận là một chuyển biến rất khả quan trong chính sách.

Nhìn chung, những yêu cầu dành cho đối tượng này đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng, từ đó tạo ra một nguồn cầu mới và hứa hẹn sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường bất động sản. Việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản, như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức “xuất khẩu” bất động sản tại chỗ hiệu quả.

Có nên điều chỉnh linh hoạt?

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giao dịch mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam dù có tăng nhưng chưa nhiều, nếu so với hơn 82.000 người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, cũng như hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài. Nguyên nhân là nhiều người nước ngoài chưa nắm rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam và ngược lại, thủ tục hành chính tại một số địa phương còn phức tạp với khách nước ngoài. Trên thực tế, Luật Nhà ở có quy định cho người nước ngoài sở hữu bất động sản nhưng Luật Đất đai không có quy định liên quan đến sở hữu đất gắn với bất động sản trong trường hợp này, cũng khiến người mua và cả đơn vị tư vấn băn khoăn khi áp dụng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Duy cho biết, Thông tư số 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, do Bộ Xây dựng ban hành, có quy định số lượng căn hộ mà người nước ngoài được phép sở hữu, nhằm thắt chặt các thủ tục bán lại, tăng tính minh bạch của quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính. Vậy nhưng, điều này có thể dẫn tới việc nhiều khách nước ngoài có nhu cầu sở hữu không có suất mua.

"Việc giới hạn số lượng căn hộ cho phép người nước ngoài sở hữu tại một dự án là rất quan trọng nhằm giảm thiểu và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội nói chung. Tuy vậy, nên có sự điều chỉnh giới hạn linh hoạt phù hợp với một số loại hình bất động sản, ở vài khu vực có nhu cầu đặc biệt hơn, như bất động sản nghỉ dưỡng hay chung cư cao cấp. Sự linh hoạt thay vì một giới hạn cố định sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy thị trường, nhất là khi nhu cầu mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài cũng như Việt kiều không phải là nhỏ" - ông Duy đề xuất.

Theo ông Duy, trên thực tế, các dự án, sản phẩm thu hút người nước ngoài mua chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, đi kèm với đó là đòi hỏi về chất lượng công trình, dịch vụ tư vấn, bán hàng tương xứng. Hiện có một số thị trường thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách mua nhà là người nước ngoài, gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Tuy nhiên, số lượng "sổ đỏ" được cấp cho tổ chức và cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp, nếu so với sự quan tâm và nhu cầu của khách hàng.

Với góc độ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cho rằng, chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng chính là giải pháp để thu hút người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, làm việc. Việc giao dịch của người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam chưa nhiều là do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kinh tế, công việc tại Việt Nam, nhu cầu, vị trí, giá cả nhà ở…

Thu Hằng