Khác với Khaisilk nhập lụa Trung Quốc: Làng Vạn Phúc vẫn hằng giờ làm lụa "made in Vietnam"
Đời sống - Ngày đăng : 22:19, 27/10/2017
Máy dệt ở Vạn Phúc “chưa lúc nào ngừng nghỉ”
Có mặt tại làng nghề truyền thống Vạn Phúc ngày 27-10, PV ghi nhận tình hình sản xuất và buôn bán lụa diễn ra rất tập nập. Ngay từ cổng làng, người ta đã có thể bắt gặp nhiều cửa hàng bán lụa đa dạng, xen giữa là những xưởng sản xuất thủ công, sẵn sàng “mục sở thị” các công đoạn sản xuất để khách mua tham quan.
Bà Nguyễn Thị Tâm – chủ thương hiệu Mao Silk ở Vạn Phúc – đã nhiệt tình trao đổi với PV về nguồn gốc nguyên liệu tơ tằm, cũng như các công đoạn sản xuất thủ công để tạo nên mảnh lụa đúng chất “made in Vietnam”.
Bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ về những công đoạn thủ công phức tạp để tạo nên mảnh vải lụa "made in Vietnam" |
Bà Tâm cho biết, cơ sở nhà bà được hình thành sau năm 1986 – thời điểm chuyển đổi kinh tế từ mô hình cũ sang kinh tế thị trường. Khi đó, cụ Triệu Văn Mão là người đầu tiên gây dựng nên cơ sở và thương hiệu của Mao Silk hiện nay (cụ Mão đã mất, bà Tâm là con dâu của cụ).
“Lâu nay, Vạn Phúc chỗ chúng tôi không trồng dâu, nuôi tằm nữa rồi, vì quy trình đó đòi hỏi phải có diện tích lớn, khí hậu phù hợp. Chúng tôi chủ yếu nhập nguồn nguyên liệu tơ tằm từ các công ty khai thác trong nước, với nguồn cung từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Duy Xuyên (Quảng Nam)”, bà Tâm cho hay.
Sau khi nhập tơ tằm nguyên liệu về, xưởng nhà bà Tâm thực hiện hầu hết các công đoạn tiếp theo để sản xuất ra vải lụa.
“Hiện nay, xưởng chúng tôi có hơn 10 nhân công tham gia quá trình sản xuất lụa. Tổng thể thì chúng tôi vẫn phải làm thủ công, song cố gắng cải tiến một số chi tiết máy móc để năng suất cao hơn. Nhìn chung, sản phẩm lụa Hà Đông sử dụng nguồn nguyên liệu tơ tằm và làm thủ công nên giá thành có thể coi là cao, song chất lượng là điều chúng tôi luôn tự hào. Hiện giờ, Vạn Phúc vẫn đang hằng ngày sản xuất ra lụa, máy dệt chưa lúc nào ngừng nghỉ”, bà Tâm chia sẻ thêm.
Vì các công đoạn sản xuất lụa ở Vạn Phúc vẫn mang đậm tính thủ công nên sản phẩm có giá thành cao, tuy nhiên, bù lại, chất lượng luôn được đảm bảo |
Hiện nay, cơ sở của bà Tâm đang sản xuất được hơn 1.000m lụa mỗi tháng, cung cấp ra thị trường ở cả dạng nguyên liệu (để may các sản phẩm đa dạng chủng loại như khăn, áo dài…) cũng như dạng sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài ra, theo bà Tâm, làng Vạn Phúc hiện có 5-6 xưởng sản xuất quy mô như Mao Silk, trong khi mô hình hộ gia đình dệt lụa nhỏ lẻ vẫn đang được duy trì phổ biến trong làng.
Tâm sự người làm lụa “made in Vietnam”
Khi nghe thông tin “giải thích” của doanh nhân Hoàng Khải (chủ thương hiệu Khaisilk) về việc phải nhập nguồn hàng của Trung Quốc vì “không đủ nguồn hàng trong nước”, bà Tâm cho biết không muốn bình luận cụ thể.
Tuy nhiên, chủ thương hiệu Mao Silk cho rằng, sản phẩm lụa “made in Vietnam” không thiếu, song giá thành cao, vì những công đoạn sản xuất thủ công để đảm bảo cho ra sản phẩm lụa thực sự chất lượng.
Bà Tâm bộc bạch tâm sự: “Muốn duy trì và phát triển nghề thì mình phải biết phục vụ thị trường. Đó là vừa đáp ứng thị hiếu, thời trang của khách hàng, vừa phải tính toán cho ra sản phẩm hợp túi tiền. Tuy nhiên, chúng tôi luôn đảm bảo tính minh bạch khi bán sản phẩm của mình. Những sản phẩm lụa tơ tằm 100% có giá thành cao, nhưng các sản phẩm lụa có pha chất liệu khác đều được chúng tôi ghi rõ. Việc pha chế đó giúp tạo ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu, cũng như phù hợp túi tiền hơn”.
Chị Triệu Bích Ngọc – con gái bà Tâm và phụ trách việc bán hàng – chia sẻ thêm, khi xảy ra “sự cố” Khaisilk, có thể nhiều người sẽ nghĩ nguồn cung lụa Việt Nam ít ỏi, nguyên liệu khai thác từ nguồn không đảm bảo…
Chị Triệu Bích Ngọc tự hào giới thiệu về sản phẩm lụa Vạn Phúc "made in Vietnam" |
“Thực tế thì có đến chỗ chúng tôi, nhìn vào quy trình sản xuất, mọi người sẽ rõ. Vạn Phúc vẫn đang dệt ra những mảnh lụa “made in Vietnam” đúng chất. Khi có những sự cố như vậy xảy ra, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng hiểu rằng lụa Việt Nam vẫn đang có vị trí và chỗ đứng rõ ràng trên thị trường”, chị Ngọc bày tỏ.
Dưới đây là video clip ghi lại các công đoạn sản xuất lụa tơ tằm tại Vạn Phúc: