Đối thoại để tháo gỡ khó khăn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 27/10/2017
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời gian qua, huyện Thanh Oai tích cực thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới và đạt những kết quả tích cực. Trong thành công đó, có đóng góp không nhỏ của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Toàn huyện có khoảng 900 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.
Đường làng, ngõ xóm xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Ánh Ngọc |
Tại cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội huyện Thanh Oai với đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, bà Phạm Bích Ngọc, đại diện Công ty TNHH Kona chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm ở xã Bình Minh cho rằng: "Huyện Thanh Oai còn nhiều lao động thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất khó tuyển dụng, phải sử dụng lao động từ nhiều tỉnh, thành phố khác. Điều này buộc người lao động và doanh nghiệp phải lo chỗ ăn, chỗ ở, vừa vất vả, vừa thêm tốn kém...". Đề cập chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lý Văn Bình, chủ doanh nghiệp sản xuất cơ khí ở xã Thanh Thùy phản ánh: "Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề mặt bằng. Hiện doanh nghiệp phải liên kết với 4 hộ gia đình mới đủ mặt bằng sản xuất tại Cụm công nghiệp xã Thanh Thùy nhưng do lô đất đứng tên 4 hộ nên khó thế chấp để vay vốn ngân hàng...". Ông Bình đề xuất huyện Thanh Oai sớm mở rộng cụm công nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm mặt bằng sản xuất.
Tại Phúc Thọ, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình Xây dựng nông thôn mới của huyện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm khai thông. Mới đây, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ đã có cuộc đối thoại với nhân dân địa phương để lắng nghe đầy đủ, toàn diện hơn. Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến đề cập đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản, văn hóa, môi trường... Nhân dân mong muốn lãnh đạo huyện quan tâm nhiều hơn trong xây dựng mô hình, hỗ trợ đưa giống mới có năng suất và giá trị cao vào sản xuất; đẩy mạnh bao tiêu nông sản để ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, huyện cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; sớm phê duyệt bổ sung quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích sản xuất trên đất nông nghiệp...
Nỗ lực giải quyết các kiến nghị
Trên tinh thần trao đổi, cầu thị, nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp nêu ra tại các cuộc đối thoại khá cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung nhiều vấn đề "nóng" và kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ... Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đánh giá: "Trong sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhiều khó khăn; khâu sơ chế, chế biến, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế... Tiếp thu ý kiến người dân, huyện Phúc Thọ sẽ tích cực mời gọi các doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, người dân cũng cần bảo đảm sản xuất nông sản an toàn, thực hiện nghiêm túc cam kết theo hợp đồng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư...".
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết: "Nhiều lao động ở huyện Thanh Oai đã ly nông, chuyển sang kinh doanh, mà chưa quan tâm đến học nghề. Do chưa qua đào tạo nghề nên lao động địa phương chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp”. Nhằm giải quyết lực lượng lao động cho doanh nghiệp, huyện Thanh Oai có chủ trương khảo sát, đánh giá lại nguồn cung - cầu lao động và tổ chức các phiên giao dịch lao động - việc làm. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp nắm bắt thông tin về tuyển dụng lao động để đưa vào kế hoạch đào tạo nghề của huyện cho sát thực hơn…
Liên quan kiến nghị của một số doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà thông tin: Theo quy hoạch, trên địa bàn huyện Thanh Oai có 10 cụm công nghiệp, đến nay một số cụm như: Bích Hòa, Thanh Thùy đã lấp đầy; một số cụm như Bình Minh, Cao Viên đang triển khai. Ngoài ra, huyện Thanh Oai còn 200ha được quy hoạch chuyển sang phát triển công nghiệp, trong đó 162ha đang kêu gọi nhà đầu tư... Đầu tháng 10-2017, huyện đã trình UBND TP Hà Nội cho mở rộng Cụm công nghiệp Thanh Thùy với diện tích 68ha… Nếu được chấp thuận, dự án sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Chưa chủ động huy động các nguồn lực xã hội; một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống... Đối thoại chính là diễn đàn để cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những sáng kiến, kiến nghị... của nhân dân. Đồng thời, đây là cơ sở để các cấp, các ngành giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng, cùng tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.
Thực tế cũng cho thấy, hiệu quả từ các cuộc đối thoại là rất rõ nét, thiết thực. "Cơ chế" này rất cần được đẩy mạnh, qua đó mang thêm nhiều động lực mới cho xây dựng nông thôn mới.