Cách mạng Tháng Mười Nga - mốc son khởi đầu thời đại mới của nhân loại

Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 27/10/2017

(HNM) - Ngày 26-10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2017) và chủ nghĩa xã hội hiện thực: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, Hà Nội; các nhà khoa học trong cả nước dự hội thảo.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, mở đầu thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ mở ra con đường giải phóng dân tộc cho tất cả các dân tộc thuộc địa, mà còn thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường giành tự do, dân chủ. Sau Cách mạng Tháng Mười, đã có nhiều nước ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh vùng lên đấu tranh, đánh đổ ách thống trị của thực dân và giành được độc lập, tự do cho dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Một thế kỷ trôi qua song chưa một sự kiện nào lại có ý nghĩa lớn lao và tính chất quốc tế sâu rộng như Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trình bày đề dẫn của hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vùng lên giành độc lập dân tộc, tự giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội


55 tham luận gửi về ban tổ chức cũng như 7 ý kiến phát biểu tại hội thảo đều tập trung khẳng định giá trị lịch sử vĩ đại và những tác động to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đến chủ nghĩa xã hội hiện thực, phong trào công nhân thế giới một thế kỷ qua. Các ý kiến cũng đánh giá thành tựu, hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực khởi đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga hơn 70 năm qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, sự đổ vỡ của mô hình Xô viết và rút ra những bài học kinh nghiệm để tìm ra những mô hình, cách thức phát triển mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực phù hợp với xu thế phát triển của xã hội mỗi nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong tham luận của mình có tựa đề “Những sai lầm về nhận thức lý luận dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô viết” khẳng định: Việc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong nguyên nhân chủ quan cũng có nhiều nhân tố như: Tình trạng quan liêu, xa dân, tham ô, tham nhũng; sự yếu kém trong tổ chức thực hiện đường lối chính sách, có cả sai lầm về đường lối và sách lược cách mạng hay sự phản bội mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một số nhà lãnh đạo. Những nhân tố của nguyên nhân chủ quan đó đều liên quan vấn đề kiên định, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước này.

Trong tham luận “Cách mạng Tháng Mười và lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thế giới ngày nay có nhiều đổi thay so với năm 1917 và càng khác xa so với thời kỳ C.Mác cách đây gần 170 năm, nhưng lịch sử nhìn chung vẫn không đi ra ngoài những quy luật đã được chủ nghĩa Mác - Lênin khám phá. Những biến cố ở Liên Xô và Đông Âu tuy đã làm cho phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào thoái trào, ở một mức độ nào đó đã kéo dài tiến trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhưng những nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã khẳng định sức sống của mình. Tính chất thời đại được vạch ra từ Cách mạng Tháng Mười đến nay vẫn không thay đổi. Chủ nghĩa xã hội được Cách mạng Tháng Mười khai sáng vẫn đang theo xu hướng tiến lên phía trước, tiếp tục phát triển trong lòng nhân loại”.

100 năm đã qua theo dòng chảy của lịch sử, nhưng các bài học của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại. Những bài học đó đã và đang thôi thúc giai cấp công nhân và những người tiến bộ tiếp tục cống hiến, hy sinh không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bóc lột, không còn những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến xung đột, chiến tranh - đó là xã hội xã hội chủ nghĩa. Đối với Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khích lệ các tầng lớp nhân dân đứng lên tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự ra đời của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Hơn thế, không chỉ là nguồn cổ vũ to lớn đối với Cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô giá.

Hiền Phương