Kịch “Romeo và Juliet” phiên bản Việt mới
Văn hóa - Ngày đăng : 07:47, 29/10/2017
Trong những vở kịch của đại tác gia người Anh William Shakespeare, “Hamlet” và “Romeo và Juliet” là hai tác phẩm kinh điển được dàn dựng nhiều trên các sân khấu khắp thế giới. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng khá thành công với việc làm mới vở “Hamlet” cách đây hai năm và bây giờ tiếp tục với vở “Romeo và Juliet”. Tuy nhiên, đi vào dựng vở kịch kinh điển đã từng có hàng trăm, hàng nghìn phiên bản thành công không phải là việc đơn giản. Nhưng Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Anh Tú và Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn bước vào thử thách, bởi như đạo diễn giãi bày: “Chúng tôi muốn tiếp tục dòng chảy kéo người trẻ là thanh niên, học sinh, sinh viên đến rạp, để họ được thưởng thức những tác phẩm kinh điển theo cách phù hợp với thị hiếu hiện nay”.
“Romeo và Juliet” không phải là vở kịch đa tầng, nhiều triết lý như “Hamlet”. Đó chỉ là chuyện tình yêu say đắm của một đôi trẻ thuộc hai dòng họ có mối thù hận lâu đời. Nhưng từ cái nhìn đầu tiên, Romeo và Juliet đã thuộc về nhau và họ mong muốn tình yêu ấy sẽ hóa giải hận thù giữa hai dòng họ. Hai người trẻ ấy đã đúng, song bi thương thay, họ phải trả giá bằng cái chết… Nếu biểu diễn nguyên bản vở kịch “Romeo và Juliet” phải mất bốn giờ. Nhưng để gói gọn trong một đêm diễn, phù hợp với tâm lý thưởng thức của khán giả Việt Nam, NSND Anh Tú đã sử dụng bản dịch của dịch giả Đặng Thế Bính, sau đó biên tập, cắt gọt những chi tiết phụ, khó hiểu để chỉ còn hơn hai giờ diễn.
“Romeo và Juliet” phiên bản Việt mới nhất mở ra bằng một không gian hỗn độn và tăm tối ở thành Verona. Ở đó liên tiếp có cuộc xô xát, gây hấn giữa hai dòng họ Montague và Capulet. Song bối cảnh đó lại càng làm nổi bật tình yêu trong trẻo, vượt qua mọi ngăn trở của Romeo và Juliet. Các vai diễn chính của vở kịch đều được đạo diễn mạnh dạn giao cho những diễn viên trẻ. Juliet do Ngô Thuận đảm nhận. Romeo là vai chính đầu tiên của Ngô Minh Hoàng khi vừa được nhận vào Nhà hát Kịch Việt Nam. Những vai có sức nặng khác như Mecutio, Tibalt… đều do các gương mặt mới nổi diễn xuất. Sự nhiệt thành, sung sức, linh hoạt trên sân khấu của họ khiến cho vở diễn luôn sinh động và cuốn hút người xem. Chỉ một vài chỗ các diễn viên chưa nhập sâu vào tâm lý nhân vật, đặc biệt là các đoạn thể hiện tình yêu sâu đậm của Romeo và Juliet. Tuy nhiên, bên cạnh họ luôn có lớp nghệ sĩ cứng của nhà hát là Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trung Anh (vai cha xứ), NSƯT Thúy Phương (vai nhũ mẫu), NSƯT Việt Thắng (vai vương chủ thành Verona), Minh Hiếu (bố Juliet), Ngân Hoa (mẹ Juliet)... nên vở diễn khá nhuần nhuyễn.
Trở lại với mục tiêu kéo khán giả trẻ đến sân khấu, NSND Anh Tú có vẻ đã thực hiện được điều đó khi đặt hàng nhạc sĩ Tiến Minh viết nhạc và ca khúc trữ tình hiện đại dành riêng cho vở diễn. Đạo diễn còn đưa người thể hiện ca khúc lên sân khấu, xen cùng tình huống kịch, với dụng ý xóa nhòa khoảng cách không gian và thời gian giữa khán giả hôm nay với câu chuyện xa xưa. Bên cạnh đó, sân khấu được thiết kế hiện đại, đơn giản với hai bộ khung giàn linh hoạt, chỉ một vài di chuyển có thể chuyển cảnh từ đường phố, đến phòng riêng hay nhà thờ… Nhưng tiếc là cảnh lãng mạn và kinh điển nhất của vở kịch là Juliet đứng trên ban công ngắm trăng và Romeo trèo tường lên với nàng để bày tỏ tình yêu thì chưa được thể hiện rõ nét trong phiên bản lần này. Những thanh giàn tối màu, thô sơ làm giảm phần nào xúc cảm của người xem. Bù lại, đạo diễn khá dụng công khi đưa những màn nhảy múa, nhảy cracket tạo không khí sôi nổi, trẻ trung và không quá bi thảm cho vở kịch.
Nhìn chung, phiên bản "Romeo và Juliet" lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn chuyển tải được thông điệp kinh điển của tác phẩm với cách thức mới mẻ, dễ tiếp cận với khán giả hôm nay.