Nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người
Đời sống - Ngày đăng : 07:37, 29/10/2017
Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao tại tỉnh Lào Cai. |
Diễn biến phức tạp
Là người quản lý “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18001567” (Đường dây nóng), bà Nguyễn Thuận Hải, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Thông tin phản ánh về tình trạng mua bán người ngày càng nhiều, số vụ việc liên quan tới vấn đề này ngày một tăng. Năm 2014, Đường dây nóng tiếp nhận 1.250 cuộc gọi phản ánh, cung cấp thông tin. Qua kiểm tra, phân tích thông tin, đội ngũ nhân viên tư vấn Đường dây nóng xác định có 26 cuộc gọi phải chuyển tuyến để các cơ quan chức năng kịp thời phối hợp giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Năm 2016, số lượng cuộc gọi phản ánh tình trạng này tăng gấp ba lần năm 2014, số cuộc gọi phải chuyển tuyến cũng tăng hơn ba lần. Năm 2017, số lượng cuộc gọi và phải chuyển tuyến chưa có dấu hiệu giảm. Đáng báo động, trẻ em là đối tượng bị mua bán nhiều nhất, chiếm 52,6% số cuộc gọi phải can thiệp, chuyển tuyến.
Ngoài “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18001567”, những năm gần đây, các ngành, địa phương đã phát hiện, xử lý, hỗ trợ giải quyết nhiều vụ mua bán người. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2011 đến nay, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ mua bán người với gần 6.000 nạn nhân. Tình trạng mua bán người diễn ra phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh giáp biên giới. Giai đoạn 2012-2017, tỉnh Lào Cai tiếp nhận hơn 600 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có nhiều nạn nhân không phải người dân địa phương. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng tiếp nhận gần 200 nạn nhân bị mua bán trở về… Ngoài 12 vụ việc với hơn 50 nạn nhân bị mua, bán ra nước ngoài đã phát hiện, xử lý, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn khoảng 250 nạn nhân bị mua, bán chưa được lập hồ sơ.
Tại hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam tổ chức gần đây, đại diện các cơ quan chức năng cảnh báo: Tội phạm mua bán người hoạt động rất tinh vi, nguy hiểm. Một số đối tượng có hành vi mua bán người được “bọc” bởi vẻ bên ngoài đáng tin cậy nhằm chiếm lòng tin của nhiều người. Đối tượng hướng đến của nhóm mua bán người là trẻ em, học sinh, sinh viên còn non nớt về kinh nghiệm, kỹ năng sống; phụ nữ, nam giới ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế khó khăn, muốn tìm cơ hội “đổi đời” ở nước ngoài. Tội phạm mua bán người cũng thường lợi dụng danh nghĩa các công ty, các trang mạng xã hội… đưa người đi xuất khẩu lao động, du lịch, kết hôn với người nước ngoài để hoạt động.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống mua bán người. Cùng với Luật Phòng, chống mua bán người được triển khai rộng rãi từ năm 2011, nước ta lấy ngày 30-7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện nhiều điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm, trong đó có Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). “Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia trên thế giới và khu vực hợp tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”, ông Paul Priest, đại diện Chương trình Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam khẳng định.
Để phòng, chống mua bán người, TP Hà Nội giao các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách liên quan; nâng cao chất lượng truyền thông. Một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã triển khai mô hình phòng, chống mua bán người lồng ghép với phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng. Tại các tỉnh có tình trạng mua bán người diễn biến phức tạp như Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh…, hằng năm, ngành LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trở về.
Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai phản ánh: Đa số nạn nhân trở về gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe, một số người có biểu hiện hoảng loạn hoặc mang thai, mang theo con nhỏ, không rõ quê quán..., nên rất khó hỗ trợ. Những giải pháp đang triển khai như đưa nạn nhân vào trung tâm bảo trợ xã hội, hỗ trợ khám chữa bệnh, dạy nghề, trợ giúp pháp lý… đã phát huy hiệu quả, nhưng do nguồn kinh phí hỗ trợ hạn chế nên chưa có nhiều nạn nhân đủ khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Tường Long kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ nguồn lực về kinh tế, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức xã hội cho nạn nhân bị mua bán trở về. Việc truyền thông nên tập trung vào địa bàn trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và lấy các vụ án thực tế để tuyên truyền. “Người dân nâng cao nhận thức và có ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm sẽ tạo thành “lá chắn” bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Tỉnh Lào Cai đã triển khai tuyên truyền theo hướng này và bước đầu thành công”, ông Nguyễn Tường Long chia sẻ.
Ý kiến của ông Nguyễn Tường Long cũng là quan điểm của nhiều cán bộ ngành LĐ-TB&XH khi đề cập đến các giải pháp phòng, chống buôn bán người. Hy vọng các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết.