Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chấm dứt việc tự giao biên chế vượt số lượng
Đời sống - Ngày đăng : 22:40, 30/10/2017
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nhiệm kỳ của Chính phủ 2016-2021 đã từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp, một việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Trong kiện toàn bộ máy tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục giữ ổn định 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ như nhiệm kỳ trước; có 42 tổng cục (nhiệm kỳ này tăng thêm 2 tổng cục).
Về cục, tăng thêm 7 cục và có 254 vụ, giảm 11 vụ; có 344 phòng thuộc bộ (giảm 56 phòng); về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có 19 đơn vị trực thuộc và cơ quan chuyên môn cấp huyện có 12 đơn vị trực thuộc.
"Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng cấp phó được giảm. Cấp thứ trưởng đầu nhiệm kỳ khoá trước có bình quân 5,55, đầu nhiệm kỳ này còn 4,7; cấp phó tổng cục trưởng cuối nhiệm kỳ trước là 3,22, đầu nhiệm kỳ này giảm còn 3; cấp phó cục, vụ của tổng cục, cuối nhiệm kỳ trước là 2,31 hiện còn 1,92...
Đối với địa phương, cấp phó trưởng phòng thuộc sở cuối nhiệm kỳ là 1,46, hiện giảm còn 1,4; cấp phó trưởng phòng cấp huyện từ 1,73 tăng lên 1,74. Do biên chế ít nên tại một số địa phương, có phòng có số lượng cán bộ quản lý nhiều hơn nhân viên" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu thực tế.
Về tinh giảm biên chế, tính từ năm 2015 đến ngày 30-9-2017, cả nước đã tinh giảm được 29.945 biên chế, trong đó phần lớn là nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 87,5%), còn về tinh giảm biên chế chỉ đạt 12,5%.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận và quyết định của Đảng cùng các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng biên chế.
"Chúng ta sẽ thực hiện cho bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% tổng biên chế được giao năm 2015. Và từ năm 2018, bình quân mỗi năm phải giảm 2,5% trong cả hệ thống chính trị.
Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy không tăng thêm đầu mối và biên chế. Trường hợp đặc biệt thành lập mới phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đồng ý nhưng không được tăng biên chế và chấm dứt việc thực hiện tự giao biên chế vượt số lượng của các cơ quan thẩm quyền; đẩy mạnh việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm để nâng cao năng suất lao động và giảm áp lực biên chế. Về các đơn vị, bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết biên chế thì cần được xem xét đánh giá lại để cắt giảm cho phù hợp" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.