Tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế tập thể tiên tiến
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 30/10/2017
Đoàn Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể TP Hà Nội tham quan mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng |
- Trước tiên xin ông cho biết những kết quả nổi bật của khu vực kinh tế tập thể trong thời gian qua?
- Khu vực kinh tế tập thể của thành phố trong 5 năm qua đã được củng cố và có những chuyển biến tích cực với nòng cốt là HTX đã góp phần tái cấu trúc kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục triệu lao động. Để đánh giá những kết quả nổi bật của khu vực kinh tế tập thể cũng như khu vực HTX, theo tôi cần nhìn nhận trên cả 2 mặt: Kinh tế và xã hội.
Về kinh tế, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đóng góp của khu vực HTX vào GDP đã tăng khá hơn so với năm trước (đạt 5,05%), trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.684 HTX và Quỹ Tín dụng nhân dân, các HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 trong các ngành, lĩnh vực đã chủ động phát huy nội lực, đổi mới phương thức hoạt động, mạnh dạn đầu tư mở rộng liên doanh, liên kết thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới, thu hút thêm nhiều lao động có trình độ, giải quyết việc làm, tăng thêm nhiều sản phẩm hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Về xã hội, các HTX đã thu hút, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 1,5 triệu thành viên, người lao động (gồm lao động là thành viên và thành viên hộ gia đình); thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 5.215 thành viên và người lao động làm việc thường xuyên ở HTX. Các HTX nông nghiệp tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chính sách dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi..., tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc. Thực tiễn cho thấy, HTX còn có vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong xóa đói giảm nghèo - đây là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững nhất.
- Nếu được bình chọn 3 việc tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ qua của Liên minh HTX, ông sẽ lựa chọn sự kiện nào?
- Theo tôi, thứ nhất phải kể tới việc Hà Nội đã chuyển đổi được 94% số HTX hoạt động theo Luật HTX 2012. Sau chuyển đổi, số HTX hoạt động có hiệu quả ngày càng nhiều hơn. Tính đến ngày 30-6-2017, trên địa bàn thành phố đã có 1.420 HTX đang hoạt động thực hiện tổ chức lại (chuyển đổi) theo Luật HTX năm 2012 (đạt 94%).
Tiếp theo với số vốn hiện có là 125 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ HTX đã giúp 1.232 dự án vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác hỗ trợ vốn vay được triển khai tại 26/30 quận, huyện, thị xã, với số vốn giải ngân 330,05 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên minh HTX đã tư vấn cho các đơn vị xây dựng dự án, giúp các HTX được vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số dư hơn 1,744 tỷ đồng, bình quân mỗi năm có từ 5 đến 6 dự án được vay vốn...
Thứ ba là phong trào thi đua đã thực sự tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển, nơi nào có HTX, nơi đó có nhân tố điển hình. Nhiều phong trào thi đua trong các HTX như: Phong trào “Người tốt - Việc tốt”, “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX”; “HTX tiên phong trong xóa đói - giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”; “Đoàn kết, hợp tác phát triển vì lợi ích của thành viên, cộng đồng và an sinh xã hội”; “Cán bộ Liên minh HTX phấn đấu trở thành cán bộ tư vấn, tuyên truyền viên tiêu biểu và đồng hành cùng HTX”... đã phát huy hiệu quả.
Nhờ đó, Liên minh HTX thành phố đã đề nghị các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng cho các HTX, thành viên... kịp thời động viên, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
- Để đạt được những kết quả đó, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Liên minh HTX Hà Nội trong những năm qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Liên minh HTX thành phố đã tích cực tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể TP Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình số 24 của Thành ủy; Kế hoạch số 175, Kế hoạch số 127 và Kế hoạch 69 của UBND thành phố...
Ngoài ra, Liên minh HTX Hà Nội đã xây dựng, hướng dẫn chỉ tiêu đánh giá Tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả ở xã, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội theo tiêu chí số 13 - Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; xây dựng nội dung và tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp về phát triển kinh tế tập thể với 30/30 quận, huyện, thị xã...
Hằng năm, Liên minh HTX thành phố tổ chức các đợt cấy nghề và truyền nghề; đồng thời, phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố, tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy chấm điểm 255/386 xã được công nhận nông thôn mới. Liên minh HTX thành phố còn tham gia chương trình ký kết với Liên minh các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang; theo Chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc...
- Những thành tựu đã rõ nét, vậy theo ông còn tồn tại gì cần khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới?
- Chúng ta đã xây dựng tốt các mô hình HTX điểm điển hình. Từ những mô hình này, nhiều HTX đã học tập thành công. Tuy nhiên, phần lớn các HTX vẫn đang gặp khó khăn, lúng túng trong điều hành và hỗ trợ thành viên trong tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ tốt. Về cơ bản, các mô hình HTX vẫn còn nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi và mô hình liên doanh, liên kết còn hạn chế; chưa tính đến yếu tố thị trường tiêu thụ; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh… dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường...
Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, tập thể, cá nhân... về kinh tế tập thể chưa đầy đủ, chưa thông suốt; chưa rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thành phần kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội...
Mặt khác, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, không có địa điểm để mở rộng kinh doanh, tổ chức sản xuất... đến nay mới có 16 HTX (chiếm 6%) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã chưa được thường xuyên và việc tháo gỡ khó khăn, yếu kém của các đơn vị thành viên vẫn còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, việc nhân rộng điển hình tiên tiến, phổ biến kinh nghiệm hay về sản xuất - kinh doanh còn hạn chế...
- Trong giai đoạn tiếp theo, định hướng hoạt động của Liên minh nói riêng và khu vực kinh tế tập thể nói chung sẽ như thế nào, thưa ông?
- Liên minh HTX Hà Nội phấn đấu đến năm 2022 đạt từ 80 đến 90% HTX thuộc diện tốt, khá; không để tồn tại HTX yếu kém và không hiệu quả; 80% cán bộ chủ chốt HTX sẽ được đào tạo, trong đó 60% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng trở lên; 100% cán bộ chủ chốt sẽ được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về HTX và pháp luật liên quan...
Về hoạt động, dự kiến, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khu vực HTX đạt từ 7 đến 7,5%/năm; các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt giá trị sản xuất tăng bình quân lên 12-15%/năm; các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng 3-5%/năm. Hằng năm thành lập mới 30-50 HTX; khuyến khích HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thành lập Liên hiệp HTX; song hành, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, quy mô lớn, có sức lan tỏa, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển...
Cụ thể, trong giai đoạn tới, Liên minh HTX sẽ giúp các đơn vị thành viên và các HTX xây dựng một số mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu... nhằm khắc phục yếu kém của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ nông sản và nâng cao hàm lượng khoa học trong sản phẩm... Hướng tới, các sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Hà Nội tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy kinh tế tập thể và khu vực HTX phát triển. Theo đó, Liên minh tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ HTX trong thời kỳ mới cần năng động hơn, phát huy sáng tạo, làm chủ công nghệ; đồng thời, có trình độ về quản lý, có kiến thức sản xuất lớn, khả năng về cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ, dự báo thị trường... để từng bước cùng thành viên và nông dân góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế cả nước nói chung.
- Trân trọng cảm ơn ông!