Bộ GT-VT góp ý về Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị ga Hà Nội và vùng phụ cận

Giao thông - Ngày đăng : 19:18, 31/10/2017

(HNMO) - Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội góp ý về Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2.000.

Theo văn bản này, Bộ GT-VT khẳng định sự cần thiết phải lập quy hoạch, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, Bộ lưu ý Hà Nội hết sức thận trọng trong quá trình rà soát, thẩm định quy hoạch, đặc biệt là không gian giữa chiều rộng các tuyến đường với chiều cao các tòa nhà và không gian sử dụng đất, công trình ngầm…


Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công cho rằng, đồ án được lập khá công phu, nhiều nội dung nghiên cứu chi tiết, đã có mối liên hệ mật thiết với định hướng quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô và các dự án phát triển đường sắt có liên quan khu vực ga Hà Nội (như tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Bên cạnh đó, đồ án đề xuất giải quyết hệ thống giao thông trong khu vực bằng các giải pháp giao thông khác mức, kết nối với giao thông đô thị, đặc biệt là kết nối Đông -Tây ga Hà Nội; cũng như giải pháp bảo tồn các công trình kiến trúc trong khu vực, dự kiến phân khu chức năng để định hướng phát triển trong tương lai.

Do đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội, Bộ GT-VT đề nghị UBND TP Hà Nội làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện đồ án. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch được xây dựng theo mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, nên cần nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển đô thị một cách đồng bộ, làm cơ sở định hướng quy hoạch cho các phân khu chức năng...

Về cảnh quan, không gian và quy hoạch kiến trúc, Bộ GT-VT thống nhất việc xây dựng các công trình hiện đại dọc theo đường Lê Duẩn là cần thiết, tuy nhiên cần lưu ý về không gian giữa chiều rộng các tuyến đường với chiều cao các tòa nhà và không gian sử dụng đất, nhất là các công trình dọc tuyến đường Lê Duẩn, cửa ngõ của Thủ đô; lưu ý bảo đảm hài hòa với cảnh quan kiến trúc của nhà ga Hà Nội hiện tại có kiến trúc cổ cũng như các công trình quy hoạch mới. Hơn nữa, khu vực ga Hà Nội có cốt cao độ thấp, thường bị ngập úng, vì vậy cần lưu ý quy hoạch các công trình ngầm, công trình thoát nước để chống ngập...

Tuấn Lương