Thương mại điện tử chưa thể “cất cánh”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 31/10/2017
Tràn lan hàng giả, hàng nhái
Kinh doanh, mua sắm trên môi trường trực tuyến đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội. Theo thống kê gần đây của mạng xã hội Facebook, tại Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người (chiếm 1/3 dân số) có tài khoản Facebook và duy trì hoạt động hằng tháng, trong đó 21 triệu người thường xuyên truy cập qua điện thoại di động kết nối internet. Các doanh nghiệp coi đây là kênh hữu hiệu để quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: Nạn hàng cấm, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên các website bán hàng đang là mối quan ngại của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người tiêu dùng. Các website này rất đơn giản, nhưng việc lừa đảo lại khá tinh vi, phức tạp; rất khó truy tìm đối tượng mua, bán. Trong khi đó, quy định về thương mại điện tử còn "lỗ hổng", chưa kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh trên mạng. Đặc biệt, vẫn chưa có điều khoản phù hợp về giao kết hợp đồng điện tử, quy định về bảo vệ thông tin cá nhân; việc kiểm tra còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa chủ động tiếp cận các quy định pháp luật mới...
Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, cả nước hiện có hơn 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 50% có website nhưng chỉ khoảng 40-45% tỷ lệ này thực sự là website thương mại điện tử. Đặc biệt, mới chỉ có 13.510 website thương mại điện tử tuân thủ thủ tục thông báo, đăng ký.
Không thể trông vào tự nguyện
Thực tế cho thấy, nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các website mua, bán và sự thiếu tin tưởng vào việc thanh toán trực tuyến đã trở thành thách thức chính, khiến thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thể “cất cánh”. Hàng giả, hàng nhái bày bán công khai, song để ngăn chặn vấn nạn này trong thương mại điện tử không đơn giản.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), Việt Nam đang thiếu cơ chế kiểm soát loại hình kinh doanh này. Về nguyên tắc, cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý trên cơ sở tổ chức, cá nhân tự nguyện đăng ký, kê khai thuế, nhưng điều này chưa thể thực hiện do ý thức tự giác của người kinh doanh còn kém, nên nếu không tăng cường kiểm soát sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong kinh doanh và thất thu thuế. Vì vậy, Nhà nước cần xác định rõ các nghĩa vụ mà doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến phải thực hiện, phải có đầu mối giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp, phổ biến công khai các vụ tranh chấp điển hình để doanh nghiệp có thể tiếp thu thông tin và kiến thức về pháp luật...
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc Thịnh (quận Long Biên) băn khoăn, nên chăng cần định hướng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để có một chuẩn chung, nếu tự phát như hiện nay thì chịu thiệt đầu tiên là người tiêu dùng. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nhưng thực tế, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.